Làm gì để gia tăng giá trị hạt cà phê?

Năm 2012, cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng cao cả sản lượng lẫn trị giá, nhưng nhiều chuyên gia dự báo, thời gian tới khó có thể vượt qua kết quả ấy, do đã chạm ngưỡng bão hòa.

news_s478

– Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, xuất khẩu cà phê Việt Nam đã chạm ngưỡng, khó có thể phát triển được nữa. Ông nghĩ sao?

Giá cả tăng cao những năm qua khiến diện tích cà phê mở rộng nhanh hơn quy hoạch. Riêng Tây Nguyên, thủ phủ của cà phê quy hoạch chỉ cho phép ổn định mức 460 ngàn ha, nhưng hiện nay đã lên đến 480 ngàn ha. Nhưng như vậy không có nghĩa là thừa sản lượng cà phê nhân xuất khẩu. Vấn đề quan trọng nhất là gia tăng giá trị hạt cà phê.

– Cụ thể theo ông, làm thế nào để tạo thêm giá trị gia tăng cho cà phê?

VICOFA đã đưa ra nhiều biện pháp để nâng chất, nâng giá và hỗ trợ cho xuất khẩu cà phê. Từ tháng 10/2012, VICOFA đã tiến hành thu phí cho quỹ bảo hiểm ngành hàng cà phê từ các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội. Mỗi tấn cà phê xuất khẩu thu 2 USD, ước tính quỹ sẽ thu được ít nhất 1 triệu USD/năm. Quỹ bảo hiểm ngành hàng cà phê được dùng để hỗ trợ cho cả sản xuất chứ không chỉ xuất khẩu, trong đó dành hơn một nửa để hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân tái canh cây cà phê đã già cỗi, 30% hỗ trợ lãi vay tạm trữ cà phê, còn lại dùng để xúc tiến thương mại. VICOFA cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đưa xuất khẩu cà phê vào ngành kinh doanh có điều kiện. Đây là giải pháp chiến lược, để chọn lọc những doanh nghiệp mạnh, đầu tư sâu cho chế biến và xuất khẩu cà phê.

– Việt Nam xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, nhưng lại chưa đủ sức chi phối thị trường. Theo ông thì vì sao?

Có rất ít doanh nghiệp bán trực tiếp cà phê cho nhà rang xay nước ngoài mà phần lớn tham gia xuất khẩu theo phương thức mua bán theo kỳ hạn nên gặp nhiều rủi ro.

Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam luôn bị nhà nhập khẩu chi phối ở khâu soạn thảo hợp đồng mua bán. Nắm bắt được tâm lý ngại tranh chấp pháp lý, một số nhà nhập khẩu cà phê cố tình tạo “sự cố” trong việc thực hiện hợp đồng, gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Hơn nữa, do tỷ trọng cà phê nhân chiếm quá lớn trong cơ cấu xuất khẩu nên doanh nghiệp Việt thường chịu thiệt do thông lệ trừ lùi trên thế giới. Giá cà phê nhân cũng thường biến động mạnh hơn cà phê chế biến.

Đó là ba nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp cà phê Việt Nam chưa đủ sức chi phối giá cả thị trường.

– Vậy cần phải làm gì để phát triển bền vững ngành cà phê?

Để phát triển bền vững ngành cà phê, theo tôi, hằng năm vào đầu vụ các doanh nghiệp phải mua tạm trữ cà phê nguyên liệu. Các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực bán hàng trực tiếp cho các nhà rang xay, nhằm tránh biến động giá khi thị trường cà phê nhân biến động mạnh. Vừa qua đã có nhiều tín hiệu tích cực, khi niên vụ trước, một số doanh nghiệp Việt Nam như Intimex, Simexco, Phúc Sinh… đã kinh doanh thành công theo hướng này.

Chúng tôi cũng đề nghị doanh nghiệp hội viên thống nhất soạn thảo hợp đồng mua bán cà phê với doanh nghiệp nước ngoài theo hợp đồng mẫu của VICOFA đưa ra, nhằm tránh bị ép giá, tránh bị tranh chấp pháp lý.

VICOFA cũng khuyến khích doanh nghiệp tích cực triển khai loại hình cà phê có chứng nhận như UTZ, 4C, đặc biệt là sản xuất theo quy trình 4C – loại hình phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.

Những lo ngại cho cà phê Việt Nam

Hiện nay lượng cây cà phê già trong cả nước đã chiếm gần 30%. Một số diện tích cà phê đã quá già nên năng suất thấp dưới 1 tấn/ha, niên vụ 2012-2103 sản lượng cà phê có thể giảm khoảng 15-20% so với niên vụ trước. Vì vậy, cần sớm có chương trình tái canh cây cà phê để giữ sản lượng.

Nguồn Dddn.com.vn