Lâm Đồng:Khô hạn gay gắt đến sớm

Mới tuần cuối tháng 3 mà toàn bộ các trạm bơm thủy lợi dọc theo sông Đồng Nai thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng đã phải “đóng máy” vì nước sông nằm dưới mực nước chết.

“Mọi năm, thường khoảng tháng 4 thì nhà nông ở ba huyện phía nam mới thực sự bắt đầu đối mặt với hiện tượng thiếu nước. Nhưng năm nay, có lẽ nhà nông ở đây phải lo chuyện chống hạn sớm hơn mọi năm ít nhất là một tháng” – ông Nguyễn Hữu ở thị trấn Đạ Tẻh ngửa mặt nhìn trời và than.

Có chủ động nhưng không thể…

Đi dọc sông Đồng Nai từ Đạ Tẻh và Cát Tiên thuộc tỉnh Lâm Đồng trong những ngày này, chúng tôi dễ dàng nhận ra nhiều đoạn sông chỉ còn trơ đáy, nước cạn kiệt đến mức có thể từ bờ bên này sang bên kia mà… không ướt chân.

Nuoc262jpg-091718

Nước ở kênh thủy lợi nằm ngay dưới chân đập của công trình hồ Đạ Tẻh đã cạn đến mức nhìn thấy cả đáy. Ảnh: K.D

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở NNPTNT Lâm Đồng), hạn hán năm nay có thể đến sớm hơn mọi năm nên ngay từ lúc này, việc quản lý và khai thác nguồn nước tưới cho cây trồng – nhất là cây trồng ở các huyện phía nam – đã được tăng cường. Tại xã An Nhơn (huyện Đạ Tẻh), Chủ tịch UBND xã – ông Nguyễn Hữu Hiền – cho hay: “Mọi năm, vụ đông xuân, An Nhơn gieo cấy khoảng 500ha lúa; năm nay, con số này chỉ còn 350ha. Nhờ vậy, áp lực về nước cho cây lúa vụ đông xuân đã giảm đáng kể”. Sở NNPTNT Lâm Đồng cho biết, để chủ động phòng, chống hạn, sở đã có văn bản đề nghị các địa phương và phòng ban theo dõi chặt diễn biến của thời tiết để chủ động đưa ra các khuyến cáo hợp lý cho người dân khi hạn hán thực sự diễn ra.

Việc chủ động chống hạn như trên là điều đáng ghi nhận nhưng chỉ từng ấy thôi thì chưa đủ. Theo chính quyền các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên…, một trong những nguyên nhân khiến cho sông Đồng Nai cạn nước sớm là do các công trình hồ thủy điện ở phía thượng nguồn trữ nước cho thủy điện. “Kể từ khi có những công trình thủy điện ở phía trên thì sông Đồng Nai – đoạn qua huyện Cát Tiên – có mực nước thấp hơn khoảng 0,5m đến hơn 1,5m so với trước” – một cán bộ của huyện Cát Tiên cho biết.

Hạn hán sẽ gay gắt hơn

Từ tết đến nay, mặc dù đã có vài cơn mưa trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng theo dự báo của Sở NNPTNT Lâm Đồng thì hạn hán năm nay vẫn có thể diễn ra khá gay gắt. Hiện tại, mực nước các sông suối, ao hồ trên địa bàn toàn tỉnh – nhất là tại các huyện phía nam tỉnh – đã xuống thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước từ 0,5m đến hơn 1m. Cùng đó, các hồ thủy lợi cũng đã có dấu hiệu xuống thấp hơn mực nước dâng bình thường.

Tại Đạ Tẻh, ngoài hồ Đạ Hàm có mực nước cao hơn mực nước dâng bình thường thì hầu hết các công trình thủy lợi ở đây đã bắt đầu khiến cho cơ quan quản lý và nhà nông lo lắng vì mực nước xuống khá thấp. Đặc biệt, tại công trình hồ Đạ Tẻh, ngoài việc không đủ khả năng cung cấp nước tưới cho hàng trăm hécta lúa thì hệ thống kênh mương chảy qua thôn 9 (thị trấn Đạ Tẻh) do khâu thiết kế và thi công chưa hợp lý nên có đến hàng trăm hécta lúa tại đây khô khát vì không có nước tưới. Cùng đó, tại vùng cây ăn quả huyện Đạ Huoai, người dân đã bắt đầu “mua nước” để tưới cầm chừng cho cây trồng.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, tại ba huyện phía nam, tính đến thời điểm này có hơn 1.000ha lúa và cây ăn quả thiếu nước tưới. “Con số này chắc chắn sẽ tăng lên trong những ngày tới” – một cán bộ của Phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên cho biết. Còn tại huyện Đạ Tẻh, ngay như cánh đồng lúa An Nhơn – nơi mà địa phương đã chủ động làm giảm áp lực về nước tưới trong vụ đông xuân bằng cách chuyển đổi 150ha lúa sang trồng ngô, nếu tình trạng khô hạn tiếp tục diễn ra trong những ngày tới thì hồ Đạ Hàm cũng khó mà có đủ nước tưới cho 350ha lúa đông xuân của địa phương.

Năm nay, mùa khô đến sớm và sẽ diễn biến khá phức tạp là dự báo được đưa ra từ cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng và chính quyền các địa phương của ba huyện phía nam.

Nguồn Báo Lao Động