Lâm Đồng: Bàng hoàng về nạn phá rừng trồng cà phê (27/03/2012)

Những năm gần đây tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở Lâm Đồng diễn ra phức tạp. Cách đây hơn một năm, báo Đại Đoàn Kết cũng đã có bài phản ánh về tình trạng một số người dân sống dọc theo tuyến đường 723 thuộc huyện Lạc Dương nối Đà Lạt với Nha Trang đã dùng nhiều thủ đoạn khác nhau triệt hạ hàng loạt cánh rừng thông để trồng cà phê rồi bán lại cho người khác với giá vô cùng rẻ mạt. Đầu tháng 3-2012, chúng tôi đã có dịp quay lại vùng đất này và thật sự bàng hoàng…

10_P1500531

Nhiều cây thông có tuổi thọ hàng chục năm
tại tiểu khu 118 xã Đạ Sar bị đốn hạ nằm ngổn ngang

Rừng vẫn “chảy máu” ồ ạt

Trở lại xã Đa Nhim – nơi mà cách đây hơn một năm, tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng diễn ra khá phổ biến, chúng tôi không thể tin vào mắt mình. Khu rừng thông nằm cách sân bóng Đa Nhim khoảng 50m cách đây hơn một năm đã vắng bóng hoàn toàn. Khoảnh đất rừng đã bị đốn hạ nay đã được phân định ranh giới rõ ràng bằng những hàng rào thông kiên cố. Bên cạnh những gốc thông trơ trụi vừa bị đốn hạ là những cây cà phê, bơ mọc lên như một lời khẳng định “rừng đã thay tên”. Đi sâu hơn vào trong, hàng loạt gốc thông tiếp tục bị ken gốc, nhiều gốc thông bị lửa thiêu đen xì, nằm ngổn ngang. Đường vào rừng thông Đa Nhim năm nay đã rộng hơn trước, rất nhiều người dân đi xe máy trở theo con cái và đồ dùng đi sâu vào trong rừng, còn kiểm lâm thì vắng bóng… Cũng nằm trên tuyến đường 723, tình trạng rừng thông bị đốn hạ, lấn chiếm tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương còn tàn độc hơn. Tại 2 tiểu khu 117, 118 thuộc thôn Đa Sum, xã Đạ Sar, hàng loạt những cây thông trên chục năm tuổi đã bị các đối tượng dùng cưa tay triệt hạ ngổn ngang, gốc vẫn còn rỉ nhựa; thông bị đốt gốc khói vẫn bốc nghi ngút. Nếu như trước đây để triệt hạ một cây thông, các đối tượng dùng những biện pháp mang tính “lâu dài” như “ken” cây, tiêm thuốc độc, đốt gốc,.. nhằm để cho thông chết từ từ, thì nay lâm tặc dùng cưa tay triệt hạ ngay tức thì.

Chính quyền, ngành lâm nghiệp “bó tay”

Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn xã Đạ Sar đã xảy ra 18 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, diện tích rừng bị xâm hại là khoảng 2ha, gần 60m3 gỗ bị đốn hạ. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên địa bàn xã Đạ Sar đáng lo ngại hơn nhiều. Trong số 18 vụ vi phạm được chính quyền xã phát hiện và xử lý thì còn không ít những vụ việc vi phạm đã và đang diễn ra âm thầm mà chính quyền cũng như ngành lâm nghiệp chưa nắm được. Theo như lời thú thật của một cán bộ kiểm lâm xã Đạ Sar thì “do địa bàn quản lý rộng, lực lượng kiểm lâm mỏng, các đối tượng chủ yếu tập trung phá rừng vào khoảng 4-5 giờ sáng nên chúng tôi cũng “bó tay”. Đồng thời các đối tượng này ngày càng tinh vi và manh động. Nhiều đối tượng còn cử người canh gác ngoài cửa rừng, chỉ cần thấy bóng dáng của người lạ là lập tức thông báo cho nhau lẩn trốn. Ông Kon Sơ Ha Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Nhim cũng cho rằng chính quyền xã không thể làm gì hơn. Theo ông Ha Thi, để tiến hành được một vụ truy quét lâm tặc đòi hỏi phải có một lực lượng lớn hỗ trợ. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, đối tượng phá rừng lại chủ yếu tiến hành vào ban đêm, địa hình hiểm trở nên truy quét vô cùng khó khăn.
Biện pháp nào để rừng Lâm Đồng không còn bị “chảy máu” vẫn còn là một câu hỏi còn chưa có lời giải. Được biết, hiện nay huyện Lạc Dương đã bố trí được 9 kiểm lâm cắm tại 5 xã và 1 thị trấn, 6 Ban Lâm nghiệp xã đã được thành lập với 93 thành viên, 24/33 thôn bản đã xây dựng và triển khai thực hiện Quy ước Bảo vệ rừng. Như vậy, nếu như lực lượng này cùng liên kết, có kế hoạch tương trợ, phối hợp cùng hành động trong công tác truy quét các đội tượng xâm hại rừng cũng như trong việc tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về ý thức bảo vệ và gìn giữ rừng, thì lực lượng này sẽ không còn mỏng.

Nguồn Nguyễn Tiến