Kon Tum: “Vàng tặc” hoành hành

Mặc dù huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đã nhiều lần chỉ đạo chính quyền xã Đăk Tờ Re cần quyết liệt ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn, thế nhưng, đến nay, vấn nạn này không được ngăn chặn, mà còn lan ra một số nơi khác.

Những ngày này, về xã Đăk Tờ Re, đâu đâu cũng nghe người dân phản ánh tình trạng “vàng tặc” hoành hành, cày xới ruộng rẫy, băm nát các dòng sông, con suối để tìm vàng, gây ô nhiễm môi trường, làm mất an ninh trật tự. Vấn nạn khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Đăk Tờ Re đã diễn ra từ nhiều năm nay, đặc biệt sau Tết Nguyên đán, tình trạng này lại càng rầm rộ, công khai.

Dọc theo suối Đăk Tờ Re đoạn chảy qua các thôn 1, 2, 3 hầu như đã không còn ruộng lúa, phần thì “vàng tặc” mua để khai thác, phần thì bị bồi lấp do khai thác vàng. Có mặt tại khu vực này, chúng tôi thật sự xót xa khi bắt gặp bên đường những đám lúa nước, các rẫy mì bị xới tung. Tháng 3 Tây Nguyên trời nắng như đổ lửa. Mặc dù chính quyền xã Đăk Tờ Re cho biết, hôm nay xã đang tổ chức truy quét “vàng tặc” ở khu vực trên, nhưng khi chúng tôi tiếp cận khu vực khai thác thì thấy tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra bình thường… Đi dọc theo bờ suối, chúng tôi thấy các máy bơm cỡ lớn đang tích cực đào bới ngay giữa đám ruộng lúa nước của dân và dùng vòi rồng đưa cát, đá lên máng để đãi vàng. Lòng suối bị “móc ruột” với hàng chục hố sâu hoắm, bên cạnh là những đống đất, đá cao ngất ngưởng, khiến nước suối Đăk Tờ Re đục hơn lúc nào hết. Ngược lên thượng nguồn chừng gần 1 km, chúng tôi thấy nhiều nơi, lòng suối bị đào bới vô tội vạ. Rất nhiều đoạn, dòng suối bị đất, cát lấp đầy làm thay đổi dòng chảy.

Trước đây, toàn bộ khu vực này là một thung lũng hoang sơ, có con suối chảy qua cung cấp nước tưới phục vụ nông nghiệp và nước sinh hoạt cho các hộ dân của các thôn 1, 2, 3. Tuy nhiên, bây giờ thung lũng này không còn nguyên dạng. Đứng trên đồi cao nhìn xuống, cảnh tượng tan hoang, ô nhiễm với dòng nước đục ngầu, nhiều đoạn bị đào bới, tạo nên những hầm hố sâu hoắm, ăn sâu vào khu vực sản xuất của người dân.

anh-KTVang1331919648_340x2502

“Vàng tặc” băm nát sông suối, ruộng vườn của dân

Tình trạng khai thác vàng trái phép không phải mới diễn ra gần đây mà đã có từ vài năm trước, mặc dù người dân và báo chí đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, nhưng vấn nạn trên chỉ tạm lắng trong một thời gian ngắn khi các cơ quan chức năng huyện Kon Rẫy mở đợt truy quét, sau rồi đâu lại vào đó. Đặc biệt, thời gian gần đây, “vàng tặc” tiếp tục hoạt động mạnh trở lại, băm nát nhiều đám ruộng lúa nước màu mỡ nằm dọc theo dòng suối để tìm vàng, trong đó có cả đám ruộng lúa nước của ông A Pang- Chủ tịch UBND xã, nhưng không hiểu vì sao vị Chủ tịch này lại không ngăn chặn?

Để tiếp cận bãi vàng ở thôn 8, chúng tôi nhờ Trưởng thôn A Đưm dẫn đường. Sau một hồi lòng vòng qua các đám rẫy chừng 4 km, cuối cùng, chúng tôi cũng đến được bãi vàng thôn 8. Sông Đăk Bla đoạn chảy qua thôn 8 thật đẹp và kỳ vĩ. Một bên là đồi núi cao, một bên là bãi cát trắng dài thoai thoải cùng những tảng đá mấp mô trên mặt nước, trông thật nên thơ. Thế nhưng, cách đó khoảng 100 mét, “vàng tặc” đang ráo riết cày xới, bới tung những bãi cát dài chạy dọc theo dòng sông, để lại nhiều hầm hố. Dòng sông Đăk Bla chảy qua thôn vốn hiền hòa, dòng nước quanh năm luôn xanh ngắt, nhưng từ khi “vàng tặc” từ các tỉnh khác đến, thi nhau đào khoét thì dòng nước trở nên đục ngầu, lòng sông để lại những hố sâu rất nguy hiểm. Không biết rồi đây, khi nước lũ về thì ruộng, vườn của người dân nằm dọc bờ sông sẽ ra sao, khi sông Đăk Bla đã thay đổi dòng chảy…

Phó chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re – ông Võ Tuấn Quân chia sẻ: Việc khai thác vàng trái phép tại các thôn 1, 2, 3 đã có từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số hộ dân có đất ở khu vực này lấy lý do thuê máy móc vào san lấp mặt bằng, khắc phục đất đá bồi đắp, sạt lở sau cơn bão số 9/2009, nhưng thực chất là để “hợp thức hóa” cho “vàng tặc” khai thác. Mặc dù chính quyền huyện, xã nhiều lần tổ chức tuyên truyền người dân không bán đất cho “vàng tặc” và thường xuyên truy quét, thu hồi và phá hủy một số phương tiện, máy móc liên quan đến việc khai thác vàng, nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn dứt điểm.

Hệ lụy của việc khai thác vàng trái phép đã quá rõ. Song, để có thể giải quyết dứt điểm nạn “vàng tặc”, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, truy quét và quyết liệt hơn nữa trong quá trình xử lý các vi phạm. Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền cũng cần quy trách nhiệm, xử lý nghiêm các cán bộ lãnh đạo ở những địa phương để “vàng tặc” lộng hành trong thời gian dài mà không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Nguồn Báo Công Thương