Trong khi giá nhiều loại hàng hóa giảm, bất ngờ giá cà phê trên hai sàn quốc tế và giá thị trường nội địa đều tăng. Tuần qua, cà phê tạm thời được đầu cơ chọn làm nơi trú ẩn an toàn cho kinh doanh tài chính của họ. Song, giá arabica rẻ đang làm khó thị trường xuất khẩu robusta.
Kinh tế thế giới bấp bênh…
Hội nghị các thống đốc ngân hàng và bộ trưởng tài chính 20 nước có nền kinh tế lớn nhất (G20) tại Moscow giữa tháng 2-2013 đem thêm nghi ngờ cho nền kinh tế thế giới, vốn đang trong tình trạng bấp bênh mấy năm nay. Hai khuynh hướng trong chính sách tiền tệ khác xa nhau: một là của các nước eurozone sử dụng đồng euro đòi thắt lưng buộc bụng, đàng kia là Mỹ, Nhật và Brazil… đang thả lỏng đồng tiền để tạo điều kiện dễ thở cho xuất khẩu. Tuy hội nghị đã tránh dùng khái niệm “chiến tranh tiền tệ”, nhiều nước vẫn hạ giá đồng tiền vì quyền lợi riêng tư của mình.
Trong tuần, báo cáo chỉ số công nghiệp và sản xuất của eurozone phát triển yếu hơn dự kiến cộng thêm với cuộc bầu cử thủ tướng Italia chưa biết ngả về ai, đã làm đồng euro rớt giá. Trong khi đó, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nói bóng gió chuyện tiếp tục nới lỏng gói kích cầu, giúp đồng đô la Mỹ tăng mạnh.
Hệ quả là chỉ số đồng đô la Mỹ tăng, tạo nên một làn sóng bán tháo cổ phiếu và hàng hóa. Trên sàn kỳ hạn NYMEX, giá kim loại vàng có lúc xuống mức cận 1550 đô la/ounce, là mức sâu nhất trong vòng 8 tháng nay. Giá dầu thô chung số phận. Mới tuần trước giá kỳ hạn dầu thô còn mức 97-98 đô la/thùng, thì ngày 21-2 có lúc chỉ còn 93 đô la/thùng…Thế là chỉ số rổ hàng hóa CRB giảm (xin xem biểu đồ 1).
Giá kỳ hạn của 2 sàn cà phê gặp may, đều tăng trong mấy ngày sóng gió. Thị trường tài chính hay xảy ra hiện tượng như thế đối với một vài mặt hàng thường được chọn làm nơi trú ẩn an toàn, hoặc tạm thời hoặc lâu dài. Đối với các loại hàng hóa sử dụng đồng đô la Mỹ để thanh toán, khi đồng tiền này tăng, một số mặt hàng phải chịu phận bán tháo để đầu cơ còn giữ được vị thế kinh doanh của mình. Có khi, bất ngờ đầu cơ điều động tiền vào một mặt hàng để chia sẻ rủi ro trong kinh doanh hàng hóa.
Đối với người mua bán cà phê, đây chính là một dấu hiệu cho thấy rằng đầu cơ đang “ngắm ngía” mặt hàng này khá kỹ. Một khi đầu cơ nhảy vào, ắt lượng tiền ra vô nhiều, tạo nên những dao động lớn và bất ngờ cho cả 2 hướng lên và xuống. Vì vậy thị trường cà phê sắp tới phải còn chông chênh nhiều.
Tồn kho tăng…
Giá cà phê của 2 sàn kỳ hạn vẫn lên dù các báo cáo tồn kho trong kỳ đều đưa ra con số lớn hơn trước.
Báo cáo định kỳ của Hiệp hội Cà phê nhân của Mỹ (Green Coffee Association – GCA) nói rằng tính đến hết tháng 1-2013, tổng tồn kho cà phê nhân tại Mỹ đạt 4.775.561 bao, tăng 38.466 bao so với tháng 12-2012 nhưng lại tăng 6% so với 12 tháng trước. Với hàng tồn kho arabica được sàn kỳ hạn Ice cấp giấy chứng nhận (certs) cũng tăng, đạt 2.681.940 bao tính đến hết ngày 22-2. Ước chừng 1/3 số certs thuần arabica của Ice được tính trong báo cáo của GCA và 2/3 tồn kho thuần arabica còn lại nằm tại các kho được Ice chỉ định ở châu Âu và nơi khác, không thuôc báo cáo GCA.
Tại một báo cáo định kỳ của sàn kỳ hạn Liffe NYSE, lượng tồn kho thuần robusta được sàn này cấp giấy chứng nhận chất lượng (certs) đạt 113.090 tấn, tăng 10.680 tấn so với cách đó 2 tuần (xin xem biểu đồ 2). Lượng tồn kho robusta certs tăng đã được đoán trước nhờ đợt vắt giá trong một khoảng thời gian 6-7 tuần trước đây. Vắt giá làm cho giá của tháng giao hàng ngay tăng mạnh so với tháng sau. Chính vì thế, nhiều người có cà phê tranh thủ đưa hàng sang các điểm bán để kịp chốt bán giá cao.
Giá lên vẫn cứ lên
Trong khi giá nhiều mặt hàng khác xuống, thị trường kỳ hạn robusta Liffe NYSE quay lên tăng. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 22-2 tức rạng sáng nay 23-2 giờ Việt Nam, giá robusta London đứng mức 2.087 đô la cơ sở giao dịch tháng 5-2013, tăng 30 đô la/tấn so với cuối tuần trước. Giá sàn arabica Ice New York hết tuần cũng tăng 3,60 cts/lb hay 79 đô la/tấn.
Nhờ vậy, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên cao hơn giá cuối tuần trước 1.300-1.500 đồng, đạt mức 41.300 đồng/kg. Tuy nhiên, một đại lý tại tỉnh Gia Lai cho rằng một số công ty không biết danh tính đã mua tại đó giá 42.000-42.500 đồng. Với mức ấy, các nhà xuất khẩu chân chính chỉ biết “ngồi chơi” vì không thể tranh mua được với người “mua cao trên này, bán thấp dưới kia và kiếm lời nhờ tiền thoái thu thuế giá trị gia tăng một cách gian dối”, chủ đại lý tại Gia Lai giải thích.
Robusta… sẽ ra sao ngày sau
Tuy giá tăng, thị trường cà phê ngoài lẫn trong nước đang có những bước đi đầy rủi ro. Có thể nói rằng cả 2 phía đang chịu sự khống chế của đầu cơ nặng nề. Ở tại một hướng khác, giá arabica cả trên sàn kỳ hạn lẫn mua bán bên ngoài đang được chào bán khá rẻ hay không muốn nói “phá giá”. Điều này dẫn đến giá cách biệt giữa 2 loại arabica và robusta của 2 sàn đang quanh mức 1000 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 3). Tuy nhiên, giá cách biệt này nghe nói còn rẻ hơn, chỉ chừng 500-600 đô la/tấn với arabica bán ngoài thị trường có chất lượng xấu hơn.
Trước đây, có lúc giá cách biệt giữa sàn arabica và robusta ở mức từ chừng 2.000-4.000 đô la/tấn, nên rang xay không ngần ngại chọn mua robusta loại sạch và tốt để thay thế. Nhưng với mức cách biệt thực tế như hiện nay, từ 500-1000 đô la/tấn, rang xay lại sẽ mạnh dạn quay trở lại mua arabica để chế biến.
Sắp tới có lẽ là thời gian khó khăn cho người bán cà phê robusta. Nên, chỉ cần một mảy may như thiếu uy tín giao hàng hay chất lượng không đạt yêu cầu, người mua sẽ quay lưng và chọn arabica rẻ vì cách biệt không đáng kể so với robusta để thay thế.