Hết tháng 5-2013, giá cà phê trên sàn kỳ hạn mất 114 đô la Mỹ/tấn. Giá cà phê nội địa cúi xuống nhìn mức 40.000 đồng/kg sau khi rời đỉnh 46.000 đồng. “Chiến tranh tiền tệ” đang hạ bệ giá nhiều mặt hàng, trong đó có cà phê.
Kinh tế suy, giá cà phê gặp nguy
Nền kinh tế thế giới vẫn chưa đủ sức đem lại những thông tin khả dĩ lạc quan để giúp cho các thị trường hàng hóa khởi sắc đôi chút. Tại các nước sử dụng đồng euro (eurozone), tỉ lệ thất nghiệp vẫn leo thang, trong tháng 4-2013 tăng lên 12,2% so với 12,1% so với tháng trước đó. Như vậy, ước chừng 19,4 triệu người vùng này không có việc làm. Tỉ lệ lạm phát trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 5-2013 tăng 1,4% so với 1,2% cách đó 1 tháng.
Tại Nhật, tuy đã xuất chiêu các biện pháp kích cầu, các chỉ số kinh tế vẫn còn khá bấp bênh. Tại Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Ben Bernanke nói bóng gió rằng trong vòng hai tháng tới, Mỹ có thể rút chương trình kích cầu đợt 3 mà ta thường được biết dưới tên “nới lỏng định lượng”. Chỉ cần chừng ấy thông tin đã gây nên biết bao ước đoán, đồn đại trên thị trường tài chính thế giới. Có người trên sàn vàng ở Mỹ cho rằng “ổng nói vậy mà chắc gì đã vậy” sau một đợt giá kỳ hạn vàng rớt đậm tưởng không cất đầu lên nổi.
Đồng real Brazil (BRL) tiếp tục vào cuộc chiến tiền tệ, rớt xuống mức sâu nhất tính từ 5 tháng rưỡi nay. Để khơi thông xuất khẩu cho hàng hóa nông sản, ngân hàng trung ương Brazil đành phải phá giá đồng BRL.
Trong tuần, giá sàn kỳ hạn arabica vẫn tiếp tục yếu ớt hầu như vì lý do ấy. Trước một thị trường arabica “dật dờ”, sàn robusta Liffe NYSE chọn con đường đi xuống và đã kéo giá cà phê nội địa tại các tỉnh Tây Nguyên về cận mức 40.000 đồng/kg, mất 6.000 đồng so với đỉnh cao của niên
vụ này và giảm 1.500 đồng so với cuối tuần trước. May mà sau 6 ngày giá kỳ hạn giảm liên tiếp, đến khuya hôm qua, thứ sáu 31-5 tức rạng sáng 1-6 giờ Việt Nam, giá kỳ hạn tháng 7-2013, là tháng giao dịch chính, ngưng rớt và tăng 9 đô la/tấn trong ngày “khuyến mãi”. Nhờ vậy, giá nội địa sáng nay thứ Bảy 1-6 gượng lên được mức 40.200-40.500 đồng/kg tùy nhu cầu mua của từng khách hàng. Ai cần hàng giao, trả cao. Ai chưa gấp trả hàng theo hợp đồng, chờ giá xuống.
Hôm qua, cũng là ngày giao dịch cuối cùng của tháng 5-2013 trên sàn robusta Liffe NYSE London. Sau một tuần giá cà phê robusta mất thêm 59 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1), có lúc giao dịch xuống mức thấp nhất tính từ 5 tháng rưỡi nay, và suốt cả tháng 5-2013 mất tổng cộng 114 đô la/tấn, đóng cửa đứng tại mức 1.893 đô la/tấn. Giá arabica trên sàn kỳ hạn Ice New York cả tháng 5-2013 cũng giảm 8,05 cts/lb tức gần 180 đô la/tấn, chỉ còn 127.05 cts/lb hay 2.800 đô la/tấn, cũng xuống mức sâu nhất tính từ 3 năm rưỡi đổ lại.
Cà phê vơi nơi này, đầy chỗ khác
Giá liên tục xuống trong tháng qua đã làm một số người đang còn giữ cà phê bắt đầu nao núng. Khi giá cà phê nhân còn cao 45.000-46.000 đồng/kg, nhiều người đã giữ lại hàng vì một mặt có tin hạn hán trầm trọng tại Tây Nguyên, mặt khác hàng đã vơi đi nhiều. Họ rất vững tin rằng giá sẽ tăng mạnh vào cuối tháng 5 đến đầu tháng 6-2013 này.
Nhưng bây giờ hãy nghe một vài người lên các mạng thông tin trần tình: “Giá cà phê ngày càng xuống dốc thê thảm. Buồn, không muốn xem giá nữa. Thôi xuống cho đã đi, tôi đây không được 45.000 đồng/kg quyết không bán. Nhà còn 4 tấn nữa để sang năm”, đó là lời trách của một người còn hàng lấy tên “chogia” khi lên diễn đàn trên một mạng thông tin cà phê. Một người khác lấy tên “Hồ Xuân Hương” thất vọng nói: “Phen này cỗ xe chở cà phê robusta tới sàn London đứt phanh lao xuống vực thật rồi. Bà con nông dân mình lại phải thắt lưng buộc bụng thêm một thời gian nữa thôi”. Song, một số người sẽ không cầm cự nổi nếu như giữ hàng như người lấy tên “phan tuong” nói: “Nếu có tiền mà để lại sang năm thì nói làm gì. Là nông dân thì nắng đâu che đó, không phải ai cũng giàu”.
Về tâm lý mà nói, “lỡ chuyến đò” giá cao, nhiều người dễ vin và tin vào các thông tin theo hướng giá tăng (bullish) lắm. Song, về mặt cung-cầu, hiện nay khá bất lợi vì nhiều khối nước tiêu thụ lớn đang vào mùa hè, sẽ giảm uống cà phê và rang xay vì thế cũng chỉ sử dụng nguyên liệu vừa đủ. Nhiều năm qua, Brazil vào mùa lạnh, nhưng cực kỳ hiếm khi bị rét đậm rét hại làm mất sản lượng cà phê, ngược lại, lượng xuất khẩu nước này đang tăng dần.
Ngoài ra, nhiều người nghĩ rằng do nước ta xuất khẩu nhiều, còn rất ít hàng trong dân. Điều này không sai. Nhưng cũng cần nhớ rằng hàng “vơi chỗ này”, mình không thấy tức là xong, hàng sẽ “đầy” ở nơi khác, đó là các nước tiêu thụ.
Đừng để bị đánh lừa bằng các con số sản lượng
Không còn nghi ngờ gì nữa, giá cà phê arabica sụp vì Brazil bán ra quá mạnh. Giá sàn arabica New York đã từ đỉnh 310 cts/lb, tức trên 6.800 đô la/tấn, nay chỉ còn dưới 2.800 đô la/tấn. Tuy cơ quan chịu trách nhiệm công bố sản lượng cà phê Brazil (Conab) nói niên vụ 2013-14 chỉ đạt 48,6 triệu bao, trong đó robusta chỉ khiêm nhường ở mức 12,2 triệu bao song với các động thái trên thị trường, nhiều người tỏ ra hoài nghi và không sử dụng con số của Conab để làm giá.
Vừa qua, Volcafe, một hãng kinh doanh cà phê có bản doanh ở Thụy Sĩ cho rằng sản lượng robusta của thế giới trong niên vụ 2013-14 có thể đạt 70 triệu bao. Cứ cho hiện nay con số này quanh mức 60-62 triệu bao và con số ước của Volcafe là tạm chấp nhận, thì số tăng dư robusta ấy trước tiên nằm tại Brazil nhiều chứ không đâu khác.
Chính vì thế, hãy nên cân nhắc các con số về sản lượng để khỏi bị tồn kho lâu hơn, thay vì dự kiến 1 năm thì nay có thể lên 2 hay 3 năm.
Vì, nếu như thế, ta vừa mất thị phần xuất khẩu, vừa đọng vốn, vừa tạo nên sức ép bán ra về sau gây giá thấp khi hàng quá ứ trong kho, nhất lại là tình hình kinh tế tài chính nước ta đang chưa thể đánh đổi lạm phát để tăng trưởng.