Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương đang tổ chức lấy ý kiến của các hiệp hội ngành hàng về việc bổ sung một số mặt hàng như cà phê, điều vào ngành hàng kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, thực tế quy định này có rất nhiều điểm thiếu thực tiễn, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng phản đối.
Xóa bỏ doanh nghiệp nhỏ
Trong số các mặt hàng nông sản, mới chỉ có gạo được đưa vào ngành hàng kinh doanh có điều kiện theo Nghị định 109. Sau khi có nghị định này, đã có cả hàng tá văn bản hướng dẫn thực hiện, nhưng đến nay các doanh nghiệp (DN) kinh doanh gạo vẫn chưa thể đáp ứng được hết các điều kiện đặt ra. Do đó, các cơ quan chức năng đã phải lùi thời hạn cho các DN đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đến 1.10 năm nay.
Nhiều doanh nghiệp cà phê lo ngại quy định mới sẽ khiến họ gặp khó khăn và phải đóng cửa (ảnh minh họa).
Ông Lê Thanh Khiêm-Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho rằng: “Có không ít DN buộc phải bỏ cuộc vì không thể đáp ứng được một số điều kiện ngặt nghèo của Nghị định 109 và cho dù được gia hạn đi nữa thì trong bối cảnh như hiện nay, cũng không mấy DN đủ sức đeo đuổi đến cùng việc đầu tư đạt chuẩn như quy định”. Còn theo bà Vũ Thị Thu Hạnh- Giám đốc Công ty Ngũ cốc Việt, thực tế, triển khai Nghị định 109 đã không chỉ vướng từ năng lực vốn của DN mà còn bị các chuyên gia trong ngành lúa gạo và nhiều DN cho rằng, sẽ hạn chế cạnh tranh vì sẽ xóa bỏ các DN nhỏ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích (Viện Nghiên cứu Thương mại) cho rằng: “Nếu Chính phủ ấn định được giá sàn, xử lý được các DN bán dưới giá sàn, chúng ta sẽ chẳng cần phải quan tâm đến các điều kiện phụ khác như DN cần có kho chứa hay không”.
Tăng độc quyền cho doanh nghiệp lớn
Sau gạo, mới đây, đại diện ngành cà phê và hạt điều lại tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng đưa các ngành hàng này vào diện kinh doanh có điều kiện. Ông Nguyễn Đức Thanh- Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas) cho biết: “Thời gian qua, có những DN không có cơ sở vật chất, nhà máy chế biến vẫn tiến thành thu mua điều từ nhiều nguồn khác nhau để xuất khẩu. Việc thu mua hạt điều, không qua những quy chuẩn chế biến đã làm chất lượng hạt điều giảm sút, gây mất uy tín sản phẩm điều xuất khẩu của VN trên thị trường quốc tế”.
Do đó, theo ông Thanh, nếu trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, sẽ giúp ngành điều đảm bảo chất lượng, uy tín trong xuất khẩu hơn. Ngay sau kiến nghị này, đã có một số DN nhỏ trong ngành điều đã có phản ứng trước kiến nghị này, vì cho rằng quy định như thế, sẽ “giết” chết các DN nhỏ.
Tương tự, phần lớn các DN cà phê cũng cho rằng việc áp dụng điều kiện đối với ngành cà phê là không phù hợp với thực tế sản xuất tại nước ta hiện nay. Với các tiêu chí như, phải xuất khẩu 5.000 tấn cà phê/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp mới được tham gia xuất khẩu; phải có ít nhất một cơ sở chế biến cà phê với kho chứa phù hợp… thì nhiều DN sẽ “vỡ mộng” xuất khẩu cà phê.
Bà Phan Thị Thanh Minh- Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng: “Đặt điều kiện kinh doanh với nhiều ngành hàng nông sản xuất khẩu hiện nay chẳng ích lợi gì. Thay vì điều kiện, các DN phải tự tìm cách nâng cao sức cạnh tranh, cắt giảm chi phí. Bản thân các DN trong cùng ngành hàng phải có sự hợp tác, hợp lực để cùng phát triển, tránh cạnh tranh kiểu triệt tiêu lẫn nhau, không chỉ làm hại bản thân DN mà còn hại cả ngành hàng, rộng hơn là thương hiệu nông sản VN sẽ bị mất uy tín”.
Theo ông Phạm Tường Lân- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông sản Tân Lâm (Quảng Trị), những điều kiện về kinh doanh cà phê thực chất là một giải pháp hành chính chứ không giải quyết được vấn đề. Một số DN cà phê cũng phản ánh, với các quy định này, nhiều công ty loại nhỏ đang hoạt động có hiệu quả sẽ lâm vào tình trạng khó khăn. Những điều kiện đưa ra chẳng khác nào tạo thêm thế độc quyền cho những công ty lớn, và một khi họ kiểm soát thị trường, họ sẽ tìm cách ép giá mua cà phê của người dân.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa), đưa ra các điều kiện như vậy là nhằm tái thiết, quy hoạch lại thị trường kinh doanh cà phê vốn bát nháo, tranh mua tranh bán hiện nay. Chưa kể, theo Vicofa, việc có quá nhiều DN kinh doanh cà phê (hiện có khoảng 159 DN tham gia xuất khẩu mặt hàng này) sẽ khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Nếu kinh doanh cà phê có điều kiện được áp dụng, thì VN sẽ chỉ còn gần nửa DN (khoảng 70 DN) tham gia xuất khẩu cà phê.