Kiểm lâm “vuốt đuôi” lâm tặc!

Dẫu Tây Nguyên đang mưa tầm tã, nhưng khi nhân tin báo của người dân: Vườn quốc gia Yôk Đôn lại tiếp tục bị tàn phá, chúng tôi quyết định vào rừng. Thêm một chuyến lội rừng, chúng tôi càng hiểu thêm: Ở Vườn quốc gia Yôk Đôn, kiểm lâm chỉ là lực lượng vuốt đuôi lâm tặc!

lam-tac

Cây giáng hương bị lâm tặc chặt trộm đầu tháng 10.2011, tại tiểu khu 441, Vườn quốc gia Yôk Đôn.

Lâm tặc lộng hành

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là các tiểu khu 441 và 434 – một trong những điểm nóng về nạn khai thác trái phép gỗ quý hiếm. Đường tuần tra mùa mưa nhiều đoạn bị ngập nước khá sâu và rất lầy lội. Nhìn qua, rừng có vẻ khá bình yên. Thế nhưng, đi sâu vào sau những bờ le – nơi có nhiều gỗ quý – mới thấy tài nguyên rừng ở đây đang ngày đêm bị ăn cướp trắng trợn. Lâm tặc mở đường ngang dọc chằng chịt cho ôtô, xe công nông, xe máy, xe đạp vào khai thác và vận chuyển gỗ.

Đi theo một đoạn đường ngắn cỏ cây bị giập nát, chúng tôi liền thấy rất nhiều cây giáng hương bị lâm tặc triệt hạ, cưa thành hộp rồi vận chuyển ra khỏi rừng, với đủ loại dấu vết cũ và mới. Có cây mới bị chặt khoảng vài ba ngày, lá vẫn xanh. Đi trong vườn cấm quốc gia mà thấy gỗ quý bị khai thác chẳng khác gì vườn nhà. Chỉ trong 2 giờ lội rừng, chúng tôi đếm được hơn chục cây giáng hương có đường kính gốc từ 50 – 100cm bị lâm tặc chặt trộm trong khoảng thời gian từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 này.

Từ cuối năm 2010 đến nay đã có hàng trăm cây giáng hương, cẩm lai… bị lâm tặc khai thác trái phép với khối lượng hàng nghìn mét khối!

Lại nói chuyện nguyên nhân

Trả lời câu hỏi của chúng tôi: Bằng cách nào để lâm tặc chặt hạ, cưa xẻ và vận chuyển những súc gỗ lớn từ trong rừng ra ngoài, trong khi vườn có tới 1 hạt và 11 trạm kiểm lâm, ông Nguyễn Còn – Hạt phó Hạt Kiểm lâm của vườn – cho biết: Rừng Yôk Đôn chịu áp lực quá lớn. Bởi xung quanh vùng đệm của vườn có tới 9.000 hộ, gồm hơn 40.000 dân sinh sống. Thậm chí, còn có cả một làng với 80 hộ dân định cư ngay trong vùng lõi của vườn… Đó là một thực tế, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng.

Tuy vậy, qua những chuyến đi rừng, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân mất rừng ở đây trước hết do lực lượng bảo vệ rừng của vườn thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Với diện tích hơn 115.000ha, VQG Yôk Đôn có tổng số cán bộ, công nhân viên 225 người, trong đó riêng lực lượng kiểm lâm hơn 100 người, được bố trí vào 1 hạt và 11 trạm kiểm lâm; ngoài ra, còn có Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn và 1 trạm kiểm soát liên ngành của huyện đặt trên tỉnh lộ 1 – một tuyến đường độc đạo từ VQG Yôk Đôn ra thành phố Buôn Ma Thuột. Nếu lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của vườn, hạt, trạm liên ngành làm đúng chức năng, nhiệm vụ thì lâm tặc dẫu có “3 đầu 6 tay” cũng không thể lộng hành đến thế và gỗ quý trong rừng Yôk Đôn họa chăng có cánh mới có thể bay ra khỏi rừng về TP.Buôn Ma Thuột được.

Xin nêu một ví dụ thực tế về sự thiếu trách nhiệm của lực lượng bảo vệ rừng Yok Đôn. Đó là ngày 10.10, trong khi chúng tôi lội vào các tiểu khu 441 và 434, phát hiện được nhiều hộp gỗ hương lâm tặc đang tập kết trên đường vận chuyển, có nhiều hộp để ngay cả trên đường tuần tra. Thế nhưng tại Trạm kiểm lâm Đrăng Phốk và Trạm kiểm lâm số 6 ở gần đó “không hề biết”. Điều này cho phép chúng tôi nghĩ: Kiểm lâm của vườn có dấu hiệu tiếp tay cho lâm tặc, họ chỉ đi theo lâm tặc để ghi và đánh số những cây gỗ quý sau khi chúng đã bị lâm tặc triệt hạ, bổ xẻ và lấy gỗ ra khỏi rừng.

Nguồn Laodong.vn