Việc ban hành và áp dụng Tiêu chuẩn cà phê Việt Nam 4193:2005 là cần thiết để thúc đẩy ngành cà phê Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thị trường cà phê thế giới.
Đồng thời, việc này sẽ giúp người trồng cà phê nhận thức được chất lượng sản phẩm của mình theo hướng đáp ứng các yêu cầu chất lượng của đối tác nhập khẩu thì mới có thể bán được giá cao và tạo điều kiện để ngành cà phê phát triển bền vững.
Tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 được thừa nhận là phù hợp với các tiêu chí đánh giá chất lượng cà phê hiện nay của thế giới và được Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) xem như một tiêu chuẩn chung để kiểm định chất lượng cà phê đang giao dịch trên thị trường thế giới.
Theo đó, chúng ta không còn đánh giá chất lượng cà phê theo tỷ lệ đen vỡ như trước đây mà đã đánh giá chất lượng cà phê dựa trên số lỗi. Cách làm này phù hợp với cách đánh giá chất lượng cà phê của thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng tiêu chuẩn này, một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đã gặp một số khó khăn.
Thứ nhất, sau khi chế biến theo tiêu chuẩn TCVN 4193:2005, tỷ lệ cà phê phế phẩm chiếm đến 8 – 10%. Vậy, với sản lượng cà phê hàng năm của nước ta khoảng 1 triệu tấn thì lượng cà phê phế phẩm đã chiếm khoảng 80.000 – 100.000 tấn.
Đây là một khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê khi số lượng cà phê phế phẩm này khó tiêu thụ và dẫn đến tồn đọng một lượng lớn vốn của doanh nghiệp, nhất trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai là chi phí để chế biến cà phê theo tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 quá lớn. Theo một số doanh nghiệp cho biết, nếu chế biến loại cà phê từ loại 2,5% đen vỡ theo tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 loại 150 lỗi thì phải mất khoảng 40 đô la Mỹ/tấn; trong khi đó người mua chỉ trả giá cao hơn khoảng từ 20 – 30 đô la Mỹ/tấn. Các doanh nghiệp làm sao bù đắp được khoản chi phí này!
Thứ ba, hiện trên thị trường kỳ hạn LIFFE đã mở rộng biên độ chất lượng và đã cho phép tất cả các loại cà phê đều được tham gia giao dịch trên thị trường này và tùy vào chất lượng từng loại cà phê mà định ra giá cả phù hợp cho từng loại.
Thứ tư là hiện nay cà phê vối chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số lượng cà phê tiêu thụ trên thế giới và chủ yếu dùng để pha trộn với cà phê chất lượng cao Arabica, nhằm tăng thể chất cho nước pha trong công nghệ chế biến cà phê hoà tan.
Do đó, các công ty rang xay cà phê lớn trên thế giới không cần mua cà phê có chất lượng cao (tất nhiên là giá cũng cao) mà họ chỉ mua loại cà phê chất lượng thấp của ta với yêu cầu giảm độ ẩm và tạp chất xuống. Có trên 50% sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam được tiêu thụ dùng cho mục đích này.
Qua một số điểm phân tích trên trong việc áp dụng tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 vào nâng cao chất lượng cà phê, thiết nghĩ chúng ta cần có sự nhìn nhận và đánh giá đúng thị hiếu và nhu cầu của thị trường.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu còn đề nghị chúng ta nên đa dạng hoá các sản phẩm cà phê xuất khẩu để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của nhà nhập khẩu.
Ai cần cà phê chất lượng cao, chúng ta sẵn sàng đáp ứng ngay; nhưng khi có người muốn mua một số lượng lớn cà phê chất lượng thấp thì chúng ta cũng không nên bỏ qua những cơ hội này.
Thực tế trong nhiều năm qua, tùy theo nhu cầu của các nhà rang xay mà nước ta đã cung cấp ra thị trường trên 36 mặt hàng cà phê khác nhau từ xấu đến rất tốt.