Đăk Lăk – vùng đất của những ngọn thác hùng vĩ như một nét chấm phá của bức tranh sơn thủy, với nét uyển chuyển mượt mà như mái tóc của nàng tiên giữa đại ngàn xanh kỳ bí.
Huyền thoại về tình đất, tình người được chắt lọc tinh túy, tạo nên những bản trường ca hùng tráng quyện cùng không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ẩn chứa một huyền thoại Đăk Lăk trong hành trình khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn Tây Nguyên.
Với nhiều tên gọi khác nhau, vùng đất Đăk Lăk đã được tách, nhập nhiều lần với các địa phương xung quanh. Việc lấy tên của sông suối, của người đứng đầu buôn làng, có danh tiếng đặt tên cho địa phương của mình là hiện tượng phổ biến ở Tây Nguyên. Như trường hợp tên Đăk Lăk có căn nguyên từ địa danh hồ Lăk rộng và đẹp nổi tiếng của vùng này (Đăk là nước, Lăk là tên chàng Lăk – nghĩa là nước của chàng Lăk), hoặc Buôn Ma Thuột là xuất phát từ tên riêng từng tù trưởng của buôn là Ama Y Thuột đã có công xây dựng buôn làng…
Từ những năm 30 của thế kỷ 19, một số giáo sĩ thực dân phương Tây đã tìm cách len lỏi theo các con đường buôn bán của các thương gia người Kinh để thâm nhập vùng đất Đăk Lăk – Buôn Ma Thuột. Những năm sau đó, Pháp liên tục có các hoạt động thăm dò, song phải đến cuối thế kỷ 19, khi triều đình Huế đầu hàng thực dân Pháp, các hoạt động truyền giáo, thám hiểm vùng Tây Nguyên – Đăk Lăk mới thực sự được đẩy mạnh.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hai huyện Đông Cheo Reo và Tây Cheo Reo được chuyển về tỉnh Gia Lai; tách một phần Đông Cheo Reo và Bắc MĐrăk giao về tỉnh Phú Yên; nhập tỉnh Quảng Đức về Đăk Lăk. Ngày 1/1/2004, Đăk Lăk tách thành hai tỉnh là Đăk Lăk và Đăk Nông. Tỉnh Đăk Lăk gồm thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh lỵ) và 13 huyện, trong đó có 154 xã, 13 phường và 13 thị trấn.
Nói đến vẻ đẹp Đăk Lăk, người ta thường nhắc đến những tên: Hồ Lăk, buôn Đôn, Krông Kar, Thủy Tiên, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin… những cái tên tạo nên một phong cách, một tầm nhìn và hơn hết là thủ phủ cà phê và vùng đất du lịch của sự khám phá thiên nhiên kỳ vĩ. Rừng nguyên sinh của Đăk Lăk có hệ sinh thái đa dạng với khoảng ba ngàn loại cây, gần một trăm loài thú và xấp xỉ hai trăm loài chim thuộc loại quí hiếm, được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Một số địa danh nổi tiếng như Buôn Đôn với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng đứng đầu Đông Nam Á.
Các di tích lịch sử như: Đình Lạc Giao, nơi ghi dấu ấn của người Việt trên mảnh đất cao nguyên, Biệt điện Bảo Đại, di tích tháp Chăm Yang Prông được xây dựng từ thế kỷ 14, hang đá Đăk Tuar, nhà đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng tỉnh với sa bàn thành phố Buôn Ma Thuột trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 lịch sử.
Các dân tộc nơi đây có truyền thống và bản sắc riêng tạo nên một nền văn hóa dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Đăk Lăk tự hào được nằm trong “Không gian văn hóa cồng chiêng” được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể” của nhân loại. Đăk Lăk tự hào với những làng nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, điêu khắc, tạc tượng nhà mồ và các lễ hội của đồng bào thiểu số. Đăk Lăk đặc biệt với nét văn hóa độc đáo của lễ hội cồng chiêng, hội đua voi, lễ ăn trâu và các di sản văn hóa đồ sộ của các dân tộc Eđê, M’nông với những bản trường ca, sử thi: Đam San, Đram Bri, Xinh Nhã, cây nêu thần… đã được sưu tập hoàn chỉnh phục vụ đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào.
Đăk Lăk là tỉnh nằm giữa cao nguyên Nam Trung bộ, phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, phía Tây giáp nước bạn Campuchia, phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai. Nằm trong vùng đất đai rộng lớn với địa hình và khí hậu đa dạng đã tạo ra những vùng sinh thái nông nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt có quỹ đất bazan phù hợp với cà phê, cao su, rừng có trữ lượng gỗ lớn nhất cả nước.
Là một tỉnh trung tâm Tây Nguyên, Đăk Lăk có hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không tương đối hoàn chỉnh, tạo thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và thực sự có tiềm năng phát triển du lịch.
Cảnh quan của Đăk Lăk có vẻ đẹp tự nhiên, đa dạng, phong phú, thơ mộng và hùng vĩ với cấu tạo địa hình thể hiện sự hòa hợp của những dòng sông xen lẫn núi đồi, ao hồ, ghềnh thác và những khu vực rừng nguyên sinh tạo nên những thác nước đẹp nổi tiếng, quanh năm mịt mờ sương khói như thác Thủy Tiên, Dray Sap, Bảy Nhánh… Nhiều hồ lớn với diện tích hàng trăm héc ta như hồ Lăk, Ea Đờn… phù hợp cho việc tổ chức các hoạt động du lịch, đặc biệt là hồ Ea Súp thượng với diện tích 1.440ha.
Đăk Lăk còn nổi tiếng với nhiều khu vườn nguyên sinh, khu bảo tồn thiên nhiên đã được quy hoạch như: Vườn quốc gia Yok Don, vườn quốc gia Chư Yang Sin, khu bảo tồn thiên nhiên Ra Sô… với nhiều loại động, thực vật quí hiếm, đặc biệt là voi.
Đăk Lăk có nhiều di tích lịch sử văn hóa và cách mạng được du khách quan tâm, tìm hiểu như: tháp Chăm Yang Prong, Biệt điện Bảo Đại, đình Lạc Giao, chùa Sắc Tứ Khải Đoan, nhà đày Buôn Ma Thuột, hang đá Ba Tầng, hang đá Đăk Tuôr…
Thu hút và gây ấn tượng mạnh mẽ cho du khách đến Đăk Lăk không chỉ là những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú mà còn bởi một nền văn hóa truyền thống đặc sắc, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, với những bản trường ca Đam San, Xinh Nhã…, những sản phẩm làng nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, đan lát điêu khắc, những lễ hội và phong tục độc đáo, âm thanh vang vọng của các loại cồng chiêng, đàn đá, các nhạc cụ làm từ chất liệu của núi rừng, những lời ca, điệu múa của cộng đồng 44 dân tộc anh em, thể hiện tâm hồn cao nguyên đầy trữ tình và cháy bỏng khát vọng yêu cuộc sống.
Thế mạnh du lịch của tỉnh được xác định là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Bên cạnh đó, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và của tỉnh, ngành du lịch Đăk Lăk trong những năm qua đã có những bước phát triển khá, có quy hoạch tổng thể về du lịch đến năm 2010. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, các quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư khu du lịch trọng điểm của tỉnh lần lượt được hình thành. Chức năng quản lý Nhà nước và chức năng quản lý kinh doanh được phân định rõ, cơ sở hạ tầng về giao thông đã được tỉnh và Trung ương đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, đặc biệt chính sách khuyến khích đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh được ban hành đã thu hút các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho hoạt động du lịch phát triển.
Để khai thác tốt tiềm năng du lịch, tương xứng với vị trí chiến lược trên địa bàn trong thời gian tới, tỉnh Đăk Lăk đang được Chính phủ xem xét đưa vào danh mục những tỉnh trọng điểm ưu tiên cho phát triển du lịch.n
Trong những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đăk Lăk tập trung chỉ đạo phát triển du lịch như: Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2006-2010 của Tỉnh ủy, Nghị quyết phát triển du lịch Đăk Lăk giai đoạn 2007- 2010 của Hội đồng nhân dân, Quyết định ban hành Kế hoạch phát triển du lịch Đăk Lăk giai đoạn 2007-2010 với mục tiêu “Phát triển du lịch với tốc độ nhanh và bền vững, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch. Khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch có lợi thế, nhất là du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử… phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng, có khả năng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, phù hợp với lợi thế và điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh; góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại dịch vụ”.
Hiepcoi