Huy động tiền cứu đói… để xây trường

Nhiều gia đình có con em là học sinh đang theo học tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) vừa nhận tiền hỗ trợ vùng khó khăn của Chính phủ đều “tự nguyện” trích lại 50% để hỗ trợ nhà trường xây dựng hạ tầng.

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn

Đều tự nguyện

Nghị định 116/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định học sinh tiểu học và THCS sống trong các điều kiện khó khăn (như: Bản thân bố và mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các thôn, buôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường thuộc xã vùng III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi…; nhà ở xa trường từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học, 7 km trở lên đối với học sinh THCS), thì mỗi em học sinh sẽ được: Hưởng 15kg gạo/tháng; Hưởng tiền ăn bằng 40% và 10% chỗ ở đối với mức lương cơ sở (nếu học sinh phải tự túc chỗ ở).

Năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn có 31 trường hợp được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị định 116. Tuy nhiên, khi phụ huynh đến phòng kế toán của nhà trường nhận tiền, đều được phát những tờ giấy có tên: “Phiếu tài trợ”; Sau khi đóng tiền được phát thêm phiếu “Tiếp nhận tài trợ”. Nhiều trường hợp phải trích lại 50% số tiền trợ cấp để “tự nguyện” nộp lại cho nhà trường.

Nhiều hộ không hề hay biết việc làm này, nhưng trên tờ “Phiếu tài trợ” đều in sẵn nội dung: “Tôi làm đơn này muốn được tài trợ một cách tự nguyện nhằm hỗ trợ, đóng góp thêm kinh phí tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng của nhà trường; Mong muốn có được môi trường học tập tốt hơn cho con em mình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của các cháu lâu dài và việc học tập của cháu được phát triển tự nhiên và toàn diện”.

Bà Lương Thị Hoa – Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết, trong năm học 2018-2019, nhà trường có thực hiện kế hoạch huy động, tiếp nhận và sử dụng các khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân để xây dựng hạ tầng cho nhà trường. “Việc các phụ huynh đóng góp cho nhà trường là hoàn toàn tự nguyện và không liên quan gì đến việc được hỗ trợ tiền theo Nghị định 116” – bà Hoa nói.

… Hay bị “ép” phải nộp ?

Bà Lương Thị Hoa cung cấp cho phóng viên Tiền Phong danh sách các phụ huynh “ủng hộ” dài 3 trang, trong đó có những hộ “tự nguyện” tài trợ cho nhà trường với số tiền hàng triệu đồng đến gần 20 triệu đồng. Cụ thể, ông P.L là người đi nhận tiền thay cho 3 người cháu đang theo học tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn “tài trợ” cho nhà trường hơn 18,3 triệu đồng; gia đình bà L.T.N “tự nguyện” đóng góp cho nhà trường 11,2 triệu đồng; hộ ông Tr.V.D cũng “tình nguyện” đóng hơn 12,6 triệu đồng…

Đáng nói hơn, tại một số danh sách các cá nhân ủng hộ nằm ở đầu trang, phụ huynh chỉ đóng góp 50 nghìn đồng và cho phóng viên biết, gia đình không nằm trong diện được hưởng chế độ trợ cấp.

“Tôi đi nhận hộ cho các cháu hơn 36 triệu đồng. Nhà trường nói đóng lại 50% số tiền đã nhận thì tôi làm theo” – ông L cho biết. Trong khi đó, một phụ huynh khác cho biết, gia đình có 2 người con được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị định 116 và đều phải trích lại một nửa cho nhà trường.

Bà Hoa cho biết thêm, Trường Lê Quý Đôn là trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2013-2018 (mức độ 1), hiện nhà trường đang xây dựng kế hoạch để được công nhận lại. “Kế hoạch kêu gọi tài trợ của nhà trường đã được gửi cho UBND xã Ea Nuôl. Đồng chí Chủ tịch UBND xã đã nhất trí, và kêu gọi một số doanh nghiệp tài trợ thêm” – bà Hoa nói. Trong khi đó, ông Lê Văn Quyết – Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl khẳng định với phóng viên Tiền Phong là xã không nhận được kế hoạch của lãnh đạo Trường Tiểu học Lê Quý Đôn.

Đắk Lắk là địa phương có nhiều vùng khó khăn, nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và nhiều cơ quan tổ chức. Mới đây, cũng liên quan đến việc tự ý cắt xén tiền Nghị định 116 của học sinh, hiệu trưởng Trường Tiểu học Yang Hăn là bà Vũ Thị Sơn đã bị Chủ tịch UBND huyện Krông Bông ra quyết định tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.