Trở lại Mã Đà – vùng đất ngàn năm của Chơro (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), cùng với những chiếc lao phóng hổ và xàgạc hạ thú dữ, chúng tôi rất đỗi ấn tượng khi biết được câu chuyện về những chiếc ná từng là vũ khí bất ly thân của các chiến binh Chơro rừng già một thuở. Bởi liên quan đến món vũ khí lợi hại này, có nhiều chuyện lạ về tài thiện xạ của các chiến binh cùng điệu múa ná hoang dã huyền hoặc. Và không dừng lại ở tộc người Chơro ở Mã Đà, vượt núi ngược suối đến buôn làng của các tộc người Stiêng, Mạ, Jrai, Bahna…, chúng tôi may mắn được nghe nhiều chiến binh núi rừng một thuở kể cho nghe nhiều chuyện lý thú quanh những hồn ná xưa, cùng biết bao băn khoăn, trăn trở của các cụ trước mối nguy… hồn ná chảy máu!
Vũ khí truyền thống và lợi hại
Già làng đầu tiên mà chúng tôi hỏi chuyện về những chiếc ná là Rơchăm K’Nai, ở làng Dúch 1, xã Iam’nông, huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai. Làng Dúch nằm trên đèo Sê San, dưới chân núi rừng trùng điệp, quanh năm bảng lảng sương mù, là vùng đất mà theo trí nhớ của già K’Nai từng rất nhiều chim thú. Bên một con suối có tên Amông (con hổ), già K’nai chỉ tay về khoảnh rừng um tùm trước mặt, bồi hồi nhớ lại: “Hồi mình còn thanh niên, đêm trăng sáng thú rừng ra đây uống nước nhiều lắm! Có hổ, có nai, có heo rừng, cheo, mễnh… đi thành bầy”.
Theo già K’Nai, thời bấy giờ, do ở khoảng cách xa chẳng thể nào phóng lao nên thợ săn phải dùng ná vì mũi tên được bắn ra lao xa và nhanh, con thú bị lọt vào tầm ngắm khó thoát. Sử dụng ná theo già K’Nai hiệu quả hơn lao bởi khi phóng lao phải lấy thế dễ gây tiếng động. Dùng ná chỉ việc núp trong bụi rậm ngắm con mồi rồi bóp lẫy cò, khi con mồi biết nguy thì mũi tên đã cắm sâu. Con mồi, kẻ thù khi bị bắn không thể phát hiện người bắn ẩn núp ở đâu.
Già K’Nai năm nay ngoài 80 mùa rẫy nhưng cái chân vẫn khỏe, cái tai vẫn thính và giọng nói thì sang sảng như con thác đổ vào mùa thần nước khóc. Để câu chuyện thêm phần sinh động, già lần lên cầu thang, vào nhà bếp lấy ra một chiếc ná bóng rồi nói, ná có 2 bộ phận chính là cánh và cán. Trong cuộc đời của mình, già K’Nai cho biết đã dùng qua hơn chục cái ná, và đây là cái cuối cùng của già, được già làm cách đây hơn 20 mùa rẫy.
Chiếc ná của già K’Nai có hình cánh cung, có dây căng ngang để tạo lực đẩy tên, cánh ná được chuốt nhỏ dần ở 2 đầu, mỗi đầu đều có mấu để cột dây. Phần đầu cán ná được già khoét lỗ để ráp cánh ná vào. Trên cán ná, già khoét một rãnh nhỏ để đặt mũi tên. Trao tay chúng tôi chiếc ná có tuổi đời hơn 20 năm, già K’Nai cho biết cùng với lao và xà gạc, ná là vũ khí cổ xưa bất ly thân của các trai làng thời núi rừng nguyên thủy trên khắp các buôn làng Tây Nguyên.
“Từ lúc nhỏ, mình và những đứa trẻ ở làng đã biết vào rừng chặt cây vót ná tập ngắm, tập bắn. Đến tuổi trưởng thành đứa trai nào cũng biết bắn ná săn thú, đánh đuổi kẻ thù bảo vệ buôn làng” – già K’Nai cho biết.
Ba năm trước, trong một chuyến xuyên rừng ở Đắk Lắk, chúng tôi có dịp đến Buôn Đôn và không bỏ qua cơ hội gặp gỡ vua voi Amakông, người nổi tiếng với chiến tích săn bắt và thuần dưỡng 298 con voi rừng, lấy vợ trẻ đẹp khi tuổi ngoài 80 và sở hữu bài thuốc tráng dương bổ thận mà phần lớn du khách khi ghé thăm Buôn Đôn đều mua vài thang về làm quà hoặc để dành tẩm bổ.
Vua săn voi nói chuyện về ná với chất giọng hào hứng của một người đã lâu không vào rừng: “Đứa trai nào ném lao hay, bắn ná giỏi sẽ được dân làng coi trọng, được các cô gái xinh đẹp mơ ước”. Vua voi giải thích: “Muốn bắn đâu trúng đó phải siêng tập bắn, nên người bắn ná giỏi là người siêng năng. Đứa trai bắn ná thiện xạ khi đi săn lúc nào cũng trở về với nhiều con mồi, cô gái lấy anh ta không lo thiếu thịt”.
Theo già làng Năm Nổi ở rừng Mã Đà, thường thì cánh ná có độ dài từ 0,6-1,2m, chiếc ná lớn hay nhỏ tùy thuộc vào sở thích, sức khỏe, độ tuổi, chiều dài cánh tay của người sử dụng. Đi cùng ná là tên. Tên là đoạn lồ ô dài 40-50cm, thân tên nhỏ bằng đầu chiếc đũa, đuôi tên có cánh bằng lá buông giữ cho tên thăng bằng bay đi đúng hướng. Khi xã hội phát triển, từ khi có sự trao đổi giữa người miền xuôi và miền ngược, người Chơro cùng các dân tộc anh em vùng cao Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ đổi nông sản, thú rừng cho người đồng bằng lấy đồng, sắt đập dẹp bọc vào đầu mũi tên để sắc bén hơn, mức độ sát thương lớn hơn.
Già Năm bật mí: “Cái lao chỉ phóng kẻ thù, con mồi ở khoảng cách gần và trên mặt đất. Với cái ná, con mồi ở xa hoặc ở trên cây, trong bụi rậm khi lọt vào tầm ngắm của mình đều khó thoát!”.
Tuyệt kỹ múa ná
Theo các già làng, để giết con thú chết cho nhanh, các chiến binh đều biết tự chế ra thuốc độc tẩm vào đầu mũi tên. Với “kỹ thuật” này, dẫu mũi tên không cắm sâu, mà chỉ xướt qua tạo vết trầy nhỏ thì con mồi cũng sớm đổ gục, không thể bỏ chạy hay lủi sâu vào rừng bởi chất độc sẽ theo máu chuyển nhanh vào tim.
Già làng Dương Văn Dương, 72 tuổi ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai bật mí thuốc độc được tinh chế từ mủ, nhựa có ở vỏ, lá, rễ của một số loại cây rừng và mủ con cóc. Cái hay là thuốc độc chỉ làm cho con thú mau chết nhưng người ăn thịt nó không bị ngộ độc”. Già làng Năm Nổi góp chuyện: “Khác với ném lao sẽ khiến con thú mất nhiều máu nên thịt mất ngon, bắn ná với tên tẩm thuốc độc làm máu con thú giữ lại bên trong nên thịt rất thơm, ngọt”.
Xuyên suốt các buôn làng của đồng bào các dân tộc ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, chúng tôi tình cờ biết chuyện các thế hệ nghệ nhân của những tộc người ngày trước đã sáng tạo điệu múa ná vô cùng độc đáo. Điệu múa ấy chỉ được các dũng sĩ núi rừng thể hiện mỗi khi buôn làng tổ chức lễ hội cúng Yàng, cầu mùa hoặc tạ ơn thần linh và nay chỉ có những già làng mới biết điệu múa ấy.
Biết chúng tôi tìm hiểu về hồn ná xưa cùng điệu múa ná độc đáo của các tộc người vùng cao, tiến sĩ dân tộc học Nguyễn Thành Đức (Hội Dân tộc học TP HCM) đã có chia sẻ rất thú vị. Sau nhiều năm đi điền dã thu thập những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mạ, Chơro, Stiêng ở Đông Nam Bộ, tiến sĩ Đức đã may mắn sưu tầm và hoàn chỉnh các động tác, kỹ thuật của điệu múa ná tưởng chừng thất truyền.
Ông cho biết: “Múa ná là tổ hợp các động tác, kỹ năng săn bắn của tộc người. Thể hiện động tác múa ná, nghệ nhân đặt đuôi ná vào bụng, dùng hai tay cầm dây kéo vào hướng bụng. Khi dây cung đã căng, nghệ nhân vòng tay qua đầu đưa về phía gùi lấy mũi tên, đặt mũi tên vào rãnh khe ná rồi hướng mũi ná về phía có con mồi. Tùy nghệ nhân mà mũi tên hoặc hướng thẳng, hoặc nghếch lên cao, hoặc chĩa xuống thấp…”.
Hôm ấy, dù cái chân yếu, cái tay run nhưng già làng Dương Văn Dương vẫn cố gắng thể hiện động tác múa ná với lời dặn: “Các chú quay phim đi, chụp thật nhiều ảnh vào để mai này già về với Yàng thì còn có cái cho lớp con cháu biết mà gìn giữ”.
Vung đôi tay gân guốc với chiếc ná đẽo bằng gỗ trắc được truyền giữ từ đời cha ông, già Dương chú thích rõ từng động tác: “Nếu múa với ná lớn dùng cho vùng có thú rừng lớn, nghệ nhân đạp chân vào cánh cung, tì đầu ná xuống đất để kéo dây cung. Khi di chuyển nghệ nhân kẹp ná dọc theo người để dễ dàng luồn lách qua lùm bụi, trèo qua cây đổ ngang đường. Có lúc phải hạ ná sát đất để chui lòn qua cây đổ chắn lối hoặc dây leo chặn ngang”.
Già làng Năm Nổi cũng thể hiện vài động tác kèm lưu ý: “Ở trong rừng săn bắn hoặc lúc thể hiện điệu múa, thợ săn hay nghệ nhân đều phải bước co chân, gót nhón cao, nhẹ nhàng lách qua từng nhánh cây khô để không phát ra tiếng động”.
Nhìn già Năm, già Dương tay nắm chắc ná, khi giương lên, lúc hạ xuống, bước chân rón rén, toàn thân uyển chuyển linh động như mãnh hổ rình mồi…, người xem như thấy trước mắt hình ảnh những chiến binh rừng già đang ở nơi rừng sâu. Lúc này những người con của núi rừng ấy đang nhẹ nhàng tìm chỗ ẩn nấp, rồi họ từ từ giương ná về phía trước, nơi thấp thoáng bóng dáng con nai, con mễnh, con voọc, con heo rừng… và lẩy cò. Mũi tên lao vút cắm phập và con mồi cũng là lúc các già làng thu tay ná, thở hổn hển!
Vốn xưa còn một chút này
Trong những chuyến xuyên rừng tìm hồn ná thiêng ở các buôn làng, bên cạnh hồi ức của những chiến binh năm nào, chúng tôi ghi nhận nhiều tâm tư, nỗi niềm từ nhiều người trong họ. “Ngày trước gia đình nào cũng có ná, người đàn ông nào cũng thủ sẵn nhiều tay ná, cái lớn, cái nhỏ, cái mới, cái cũ… Nhưng bây giờ mười nóc nhà thì chỉ một nhà còn giữ ná thôi, có khi chẳng còn cái nào. Bây giờ thú rừng không còn nữa, những cái ná làm bằng gỗ trắc, dây làm từ da trâu rừng chẳng biết dùng vào việc gì nên nhiều gia đình có người đập gãy, có người để mục rã, có người bán rẻ như cho, người đổi rượu, đổi cá thịt… hết rồi”.
Như già Điểu Griêm ở sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), già Khăm ở Đắk Nông, già K’Nai trò chuyện về số phận của những chiếc ná xưa với nỗi buồn sâu nặng. Già siết chặt chiếc ná cuối cùng từng nhả tên cứu mình trước một con trăn nặng hơn 20kg lúc đói mồi khi nó có ý định lao về phía già cuốn siết, rồi thở dài: “Sợ mai này tụi nhỏ quên gốc tích cha ông, mình còn giữ mấy cái ché đựng rượu, mấy cái xàgạc, cái lao… và cái ná này. Chỉ lo mai này già không còn nữa, chẳng biết tụi nhỏ có tiếp tục gìn giữ hay bỏ mặc cho hư hỏng hết thôi?!”.
Già làng Dương Văn Dương và già làng Năm Nổi cũng có cùng nỗi niềm ấy. Già Dương cho biết trong khi lớp trẻ Chơro ngày càng trở nên xa lạ với chiếc ná – vũ khí truyền thống và lợi hại của tộc người thì dân thành phố lại rất quan tâm. Điều này được thể hiện bằng những cuộc viếng thăm ào ạt và ánh nhìn xoi mói của các tay buôn đồ dân tộc: “Họ hỏi mua với giá cao những chiếc ná xưa để trưng bày cho đẹp, lạ hoặc bổ sung vào bộ sưu tập đồ rừng của mình”.
Trong nỗi buồn man mác, bất giác già làng Năm Nổi chia vui: “Biết trước sự mai một ấy nên nhiều năm qua, già đã giữ lại và mua thêm ná của một vài người làng. Mấy năm trước, Nhà Văn hóa truyền thống Chơro được xây dựng, già đã tặng bộ sưu tập hàm mãnh thú, nhiều cái xà gạc và bộ ná 8 cái. Có nơi để gìn giữ, bảo quản, từ nay không sợ hồn ná xưa phai dấu”.
Mừng vui là thế nhưng khi đêm chìm sâu, bên ánh lửa bập bùng trong ngôi nhà sàn truyền thống bên con suối Sa Mách, như những già làng quan tâm đến số phận của hồn ná giữa rừng, tôi thấy đôi mắt của già làng Năm Nổi đọng nước. Sau phút giây lắng lòng, ông thổ lộ rằng mai này, khi lớp người già như ông, già Dương Văn Dương nằm xuống, ai sẽ là người kể chuyện và múa điệu múa ná hồng hoang huyền hoặc thuở xưa?