Hơn 2.800 tỷ đồng đầu tư tái canh cà phê Robusta già cỗi

Theo Lãnh đạo Tổng Công ty Càphê Việt Nam, từ nay đến năm 2019, Tổng Công ty Càphê Việt Nam đầu tư trên 2.813 tỷ đồng để tái canh 11.000ha càphê vối già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, trong đó vốn vay là 70% (1.969 tỷ đồng ) còn lại 30% (844 tỷ đồng) là vốn bổ sung của các doanh nghiệp.

tai-canh-ca-phe_1

Trong mấy năm qua, Tổng Công ty càphê Việt Nam cũng đã thực hiện thành công các mô hình tái canh càphê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh bằng hai hình thức: tái canh tập trung và tái canh phân tán, với tổng diện tích gần 2.000ha; trong đó tái canh tập trung 1.400ha, tái canh phân tán gần 600ha.

Diện tích càphê tái canh tập trung chủ yếu ở các công ty thành viên trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông. Những vườn càphê có tuổi cây già cỗi hết chu kỳ kinh doanh (trồng từ những năm 1985-1990) có năng suất thấp, dưới 2 tấn càphê nhân/ha, Tổng Công ty đã chỉ đạo các công ty đơn vị thành viên khi áp dụng tái canh thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố.

cafe-4c

Cụ thể: luân canh cải tạo đất bằng các loại cây họ đậu trước khi trồng lại càphê ít nhất 2 năm (gieo muồng hoa vàng, sau đó cày lật đất từ 2 đến 3 vụ trong năm), đào hố rộng, xử lý hố để phòng chống bệnh hại, đảm bảo phân bón lót đủ theo quy trình kỹ thuật, dùng cây con càphê giống mới, chất lượng tốt. Nhờ vậy, các vườn càphê tái canh của các đơn vị thành viên chỉ sau hai năm đã có bộ cành cân đối, tán cây khỏe, cho thu bói từ 2 tấn càphê nhân/ha trở lên, khi định hình có khả năng đạt từ 4-7 tấn càphê nhân/ha, trong khi đó, trồng mới bình thường sau 3 năm mới cho thu bói.

Đối với phương thức thực hiện tái canh theo mô hình phân tán là các đơn vị tổ chức kiểm tra, hướng dẫn cụ thể cho công nhân về kỹ thuật, cung ứng cây giống, vật tư để công nhân chủ động thay thế các cây càphê có chất lượng kém (tỷ lệ thay khoảng 7-10% cây/ha/năm) nhằm tạo độ đồng đều về năng suất, sản lượng cho các vườn cây.

Tổng Công ty Càphê Việt Nam cũng kiên quyết chuyển 4.000ha càphê ở những địa bàn điều kiện đất đai, sinh thái không thích hợp cho cây càphê như đất dốc, độ phì kém, khó khăn nguồn nước tưới, trong vùng sinh thái không thích hợp cho năng suất thấp sang trồng các loại cây khác như cao su, cacao, cây rừng… nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tổng Công ty Càphê Việt Nam hiện nay chỉ có 17.290ha càphê vối, với các đơn vị thành viên nằm trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Phú Yên… Trong những năm gần đây, năng suất, sản lượng càphê vối của đơn vị ngày càng giảm mạnh do vườn cây đã già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh, sâu bệnh gây hại nên việc tái canh lại vườn càphê là yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp./.

Nguồn TTXVN