Hiệu quả từ quán “cà phê pháp luật”

Đi vào hoạt động từ đầu năm 2013, mô hình quán “Cà phê pháp luật” được đặt tại các quán cà phê vùng sâu vùng xa của TP Cần Thơ bước đầu đã đem lại hiệu quả. Đến quán cà phê, người dân vừa giải khát cà phê, vừa được tìm hiểu pháp luật, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh trong khu dân cư.

Mô hình góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật

Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phổ biến giáo dục pháp luật đến từng ấp, từng xã ở nông thôn, thời gian qua các cơ quan ban ngành Tư pháp trên địa bàn TP Cần Thơ đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến người dân, từ nông thôn đến thành thị. quán “Cà phê pháp luật” là một mô hình sáng tạo và bước đầu đem lại hiệu quả.

Bà Phan Quỳnh Dao – Trưởng phòng Phổ biến – Giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp TP Cần Thơ cho biết: “Theo quy định, ở mỗi UBND xã, phường, thị trấn đều có tủ sách pháp luật. Do hầu hết các tủ sách đều đặt tại trụ sở UBND xã nên người dân rất ngại tìm đọc, phần lớn chỉ phục vụ cho cán bộ công chức tại trụ sở cơ quan. Điều đó làm hạn chế việc tuyên truyền tủ sách pháp luật ở mỗi địa phương. Vì thế, một số địa phương đã đưa ra sáng kiến mở một số điểm quán cà phê pháp luật trên cơ sở được Sở Tư pháp hỗ trợ sách, báo. Cho nên chọn quán đặt tủ sách pháp luật, người dân vừa uống cà phê vừa xem sách. Tủ sách pháp luật có nhiều loại, ai muốn tìm hiểu luật gì tủ sách đều có thể đáp ứng. Qua mấy tháng đầu năm mô hình đi vào hoạt động, thấy có hiệu quả nên ngành Tư pháp thành phố quyết định mở rộng khắp địa bàn TP”.

images662962_cafephapluat

Cũng theo bà Quỳnh Dao, mô hình quán “cà phê pháp luật” ra đời đầu tiên tại quận Thốt Nốt. Tại đây, người dân được Trung tâm trợ giúp pháp lý quận tuyên truyền một số quy định của pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất và được Công an phường tuyên truyền những tháng cao điểm về an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cảnh quan đô thị… Qua đó giúp bà con hiểu thêm các kiến thức cơ bản về pháp luật trong lĩnh vực thừa kế, luật dân sự, luật hôn nhân gia đình…

Ở huyện vùng sâu như Cờ Đỏ, tuy mới triển khai từ đầu năm nay, phòng Tư pháp huyện đã xây dựng được 34 điểm/79 ấp, trong đó 3 điểm ở xã Thới Đông do Sở Tư pháp TP Cần Thơ chọn làm xã điểm của thành phố. Theo đó, Sở Tư pháp sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ về cơ sở vật chất, thường xuyên cung cấp sách cũng như giám sát chặt chẽ hoạt động của tủ sách để làm điểm chuẩn cho những quán “cà phê pháp luật” đã thành lập, đồng thời làm mẫu cho những điểm sẽ thành lập trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thành Đông – Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân còn nhằm mục đích thực hiện tốt tiêu chí 19, góp phần xây dựng nông thôn mới. Riêng mô hình quán “cà phê pháp luật” là một ý tưởng mới, gần gũi với bà con nông dân hơn, đồng thời tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tìm hiểu pháp luật. Ngoài ra, đây còn là nơi người dân có thể cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong đời sống, nâng cao kiến thức đời sống và pháp luật. Từ đó tạo điều kiện cho địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện những nhiệm vụ do Nhà nước quy định.

Qua hơn 4 tháng hoạt động, mô hình đã mang lại hiệu quả đáng kể, đó là đem lại kiến thức cơ bản cho người dân, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện, vừa phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tính đến thời điểm này, TP Cần Thơ có gần 100 quán cà phê pháp luật, tập trung ở các quận Ninh Kiều, Ô Môn, Cờ Đỏ, Thốt Nốt.

Uống cà phê, “đã khát” pháp luật

Uống cà phê tại quán “cà phê pháp luật”, ngoài đọc sách pháp luật, báo, tờ bướm… người dân còn được giao lưu, học hỏi với mọi người khi đến quán. Mỗi tủ sách pháp luật được trang bị từ 30 – 50 đầu sách các loại với 200 quyển.

Ông Nguyễn Văn Bá – Trưởng phòng Tư pháp huyện Cờ Đỏ nói: “Người dân ở đây rất thích đọc sách, đặc biệt một số địa phương có phần đông dân tộc Khmer. Hiện tôi đang chuẩn bị sơ kết tình hình hoạt động mấy tháng qua và nếu được địa phương sẽ triển khai thêm 7 – 10 quán để phục vụ bà con. Thông thường, mới khai trương quán cà phê pháp luật, phòng tư pháp sẽ cử người xuống hướng dẫn cho bà con về cách sử dụng như thế nào và chủ quán cà phê là người quản lý tủ sách tại quán mình”.

Đến quán Anh Thơ vào một buổi trưa không hẹn trước, gia đình chủ quán đang ăn cơm. Khoảng 10 vị khách đang ngồi vừa nhâm nhi cà phê vừa đọc sách. Mỗi bàn có 2 – 3 người, mỗi người đọc một quyển sách pháp luật khác nhau, sau đó mọi người cùng nhau chia sẻ thông tin mà mình đọc được. Thỉnh thoảng lại có cuộc tranh luận về một vấn đề vi phạm pháp luật gần đây nhất trên địa bàn hoặc các tỉnh lân cận mà họ biết được qua báo, đài.

Anh Trần Hoàng Giang – Chủ quán cà phê pháp luật Anh Thơ phấn khởi: “Từ ngày tủ sách pháp luật đặt trong quán, quán đông lên hẳn. Người dân đến đây uống cà phê mà “đã khát” pháp luật mới hay chứ. Tôi thấy mô hình này hay nên khi xã chọn quán tui làm quán điểm cho thành phố là tui đồng ý liền”.

Anh Lê Chí Công – Cán bộ tư pháp xã Thới Đông cho biết, khi Sở giao cho anh nhiệm vụ tìm điểm quán cà phê với điều kiện nằm ngay trục giao thông nhưng không nằm gần tủ sách của UBND xã, quán phải thường xuyên có khách ra vào, anh phải cân nhắc chọn những quán vừa đông khách lại đáng tin cậy. “Tôi phải khoanh vùng những cà phê trọng điểm kết hợp với chủ tịch các hội trong xã, như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân,…. Qua đó vừa phổ biến chính sách pháp luật, vừa tuyên truyền về ý thức chấp hành luật cho bà con. Thường những quán cà phê này thường là nơi họp dân trong những buổi tuyên truyền khác”, anh Công bộc bạch.

Nguồn GD&TĐ