Hạn hán khốc liệt đe dọa Tây Nguyên

Mưa rất ít, hồ đập thiếu nước- đó là những dấu hiệu cho thấy một mùa khô khốc liệt sẽ đến với các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Đây sẽ là đợt hạn thứ 2 liên tiếp mà theo dự báo thì mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều lần năm trước.

1446604950-han-han-khoc-liet-hinh-anh

Nông dân xã Cư Pơng, huyện Krông Buk (Đăk Lăk) “vắt” đá lấy nước chống hạn. Ảnh: D.H

Ông Phạm Tiến San- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Đăk Lăk cho biết: Vẫn còn 13 hồ chứa đang ở mực nước chết; hơn 250 hồ chỉ đạt từ 30-80% dung tích và chỉ có 181 hồ đủ nước.

Nghiêm trọng hơn, hầu hết các hồ lớn đều có mực nước rất thấp. Cụ thể: Hồ Vụ Bổn đạt 65% dung tích thiết kế, hồ Ea Kao đạt 70%, hồ Buôn Tría 75%, hồ Ea Bông đạt 60%… Đặc biệt, hồ Buôn Triết là nguồn nước chủ yếu để phục vụ cho vùng trọng điểm lúa của Đăk Lăk (với 2.000ha) hiện chỉ mới đạt 55% dung tích, dự báo chỉ đủ cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu nước tưới.

Báo cáo mới nhất từ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đăk Lăk, hiện vẫn còn 33 hồ có mực nước chỉ đạt từ 6-40%. Trong khi đó, nhiều hồ đạt mực nước dâng bình thường song dung tích lại không đảm bảo do tình trạng bồi lắng…

Kết quả theo dõi của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Kon Tum với 15 hồ chứa lớn và vừa trên địa bàn, mực nước đều đang ở mức thấp. Các hồ lớn như Đăk Chà Mòn (TP.Kon Tum); hồ Ia Ban Thượng (TP.Kon Tum), hồ Đăk Yên, Đăk Ui (huyện Đăk Hà)… thiếu trên dưới 1m nước.

Tại Gia Lai một số hồ lớn như Ia Mlá (huyện Krông Pa) hụt gần 5m nước, hồ Hà Ra Nam (Mang Yang) thiếu gần 4m nước…

“Không chỉ lượng nước dự trữ đang thiếu hụt mà theo dự báo Tây Nguyên sẽ phải chống chọi với một mùa khô kéo dài nhất lịch sử trong vòng 60 năm qua. Điều này sẽ khiến “cơn khát” của Tây Nguyên càng khốc liệt hơn”.

Ông Phạm Tiến San

Ông Phạm Vũ Tuấn- Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết: Mùa mưa năm nay ở Tây Nguyên kết thúc sớm và lượng mưa ít hơn từ 20-30% so với mọi năm, trong khi nền nhiệt trung bình tăng cao. Cụ thể: Tổng lưu lượng mưa tại các tỉnh Tây Nguyên giảm từ 200- 500mm so với cùng kỳ năm 2014. Mưa ít cũng làm lượng nước ngầm suy giảm và chắc chắn sẽ suy giảm nhanh trong quá trình phục vụ tưới. Đây cũng sẽ là nguyên nhân quan trọng khiến mùa khô tới ở Tây Nguyên càng khắc nghiệt hơn.

Chỉ còn gần một tháng nữa vụ đông xuân phải được gieo cấy. Song đến nay, hầu hết các tỉnh vẫn chưa có quyết định cụ thể về diện tích sẽ gieo cấy. Ông Huỳnh Quốc Thích – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết: Sở cần phải rà soát lại một lần nữa ở các địa phương để có kế hoạch gieo trồng phù hợp nhất, giảm thấp nhất mức thiệt hại. Song ông cũng lo ngại người dân sẽ không theo quy hoạch của ngành nông nghiệp mà gieo trồng tràn lan, “đánh cược” với trời để rồi gánh lấy hậu quả.

Để đối mặt với mùa khô được đánh giá là khốc liệt nhất trong vòng 60 năm qua, ngành nông nghiệp các tỉnh khác ở Tây Nguyên đã chủ động rà soát, đánh giá để có kế hoạch gieo trồng hợp lý. Nhiều phương án chống hạn cũng đã được chuẩn bị, song tựu trung lại vẫn là các biện pháp “cổ điển” như nạo vét, tiết kiệm nước, giảm diện tích, chuyển đổi cây trồng. Và cuối cùng khi nguồn nước thực sự cạn kiệt thì sẽ… bó tay.

Nguồn Daidoanket.vn