Hạn chế đầu mối xuất khẩu cà phê: Lợi hay hại?

Việc Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT cùng đề xuất đưa xuất khẩu (XK) cà phê vào mặt hàng kinh doanh có điều kiện như gạo đang tạo ra nhiều ý kiến khác nhau.

Chủ trương hợp lý

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện chỉ có khoảng 20 công ty nước ngoài là khách mua để cung cấp 8 nhà rang xay lớn của thế giới nhưng trong nước có trên 150 doanh nghiệp (DN) XK cà phê. Điều này dễ dẫn đến tình trạng các DN tranh nhau bán hàng nên bị công ty nước ngoài ép giá và lợi dụng đổ lỗi việc bán phá giá.

DN nhỏ thường không có kho chứa hàng, không chế biến mà chỉ thu mua, nhiều DN mỗi năm chỉ XK 2 – 3 container hàng. Các DN này còn bán lại cho công ty nước ngoài có nhà máy hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam. Các DN nhỏ thiếu năng lực và tài chính nhưng có thể làm đảo lộn thị trường, ảnh hưởng đến lợi ích chung của ngành.

images413982_1

Xuất khẩu cà phê từ thô sang tinh sẽ đem lại hiệu quả cao. Trong ảnh: Vô cà phê tại Công ty Vinacafe. Ảnh: CAO THĂNG

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, chỉ có khoảng 20 DN thương mại cà phê đúng nghĩa và 8 nhà rang xay, chiếm 80% sản lượng trong số hơn 150 DN tham gia XK. Cà phê VN luôn được đánh giá cao hơn cà phê của Indonesia về chất lượng, lẽ ra phải có giá bán cao hơn 50 – 60 USD/tấn trở lên nhưng thực tế giá bán lại thấp hơn do DN VN chào đủ kiểu giá khiến nhà nhập khẩu có điều kiện chèn ép. Trên thị trường chủ yếu là các nhà rang xay, chế biến, thiếu những DN đủ mạnh có thể cân đối XK. Doanh nghiệp XK nào có năng lực cũng khó chống đỡ nổi cách làm ăn phá thị trường này.

Ông Đoàn Triệu Nhạn, nguyên Phó Chủ tịch Vicofa cho rằng, lẽ ra ngành nên bắt tay làm điều này từ lâu, vì uy tín ngành cà phê VN thời gian qua bị ảnh hưởng đều từ hoạt động của các DN XK nhỏ.

Việc sàng lọc DN thông qua những quy định bắt buộc như Nghị định 109 về XK gạo là điều cần làm. Nhà nhập khẩu nước ngoài còn cho biết, nếu VN kiểm soát được thị trường cà phê, duy trì được ổn định sẽ sẵn sàng mua cao hơn 100 USD/tấn. Với sản lượng XK hơn 1 triệu tấn mỗi năm như hiện nay có thể mang về cả trăm triệu USD. Vicofa nhận định, khi áp dụng quy định XK cà phê có khoảng 50-60 DN đủ điều kiện.

Đây là giải pháp chiến lược, chọn lọc những DN mạnh, đầu tư sâu cho chế biến và XK cà phê. DN nhỏ muốn tồn tại phải liên kết lại, ngành cà phê mới có thể thay đổi cả lượng và chất, tập trung đầu tư nâng cao giá trị gia tăng thay vì XK cà phê thô như hiện nay.

Con dao hai lưỡi

Nhưng để hiện thực hóa chủ trương này cần phải có những bước đi và quy định cụ thể, phù hợp với thực tế ngành hàng. Dự thảo đưa ra yêu cầu, để XK cà phê, DN phải tham gia chế biến và XK cà phê 2 năm liên tục với lượng cà phê XK tối thiểu 5.000 tấn/năm. Quy định này đối với các DN XK cà phê hàng đầu không thành vấn đề nhưng với DN vừa và nhỏ làm ăn chân chính lại không dễ đạt.

Vùng Tây Nguyên, nhất là tỉnh Đắc Lắc có hàng chục DN với thâm niên vừa sản xuất, chế biến và XK nhưng để đạt yêu cầu 5.000 tấn cà phê XK mỗi năm lại không nhiều.

Ông Vân Thành Huy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư XNK Đắc Lắc ủng hộ việc giảm đầu mối XK nhưng điều kiện như thế nào cần phù hợp với thực tế hơn. Có DN tuy lượng sản xuất thấp nhưng lợi nhuận mang về rất lớn.

Công ty Thắng lợi (Đắc Lắc) là điển hình, sản xuất khoảng 3.000 tấn cà phê/năm nhưng chất lượng hạt cà phê rất cao, luôn bán cao hơn cà phê cùng loại hàng chục thậm chí cả trăm USD/tấn, khách hàng nước ngoài rất muốn mua sản phẩm này. Có DN chỉ XK 2.000 tấn/năm nhưng là mô hình quản lý khép kín, từ sản xuất đến kinh doanh với diện tích 1.000ha.

Một đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắc cho rằng, cần tính đến những DN nhỏ nhưng làm ăn bài bản, tập trung sản xuất cà phê chất lượng cao, tích cực tìm kiếm khách hàng, có quan hệ tốt với đối tác trong và ngoài nước. Cần tìm hiểu và có quy định phù hợp hơn thay vì lập ra rào cản với những con số lạnh lùng, không tạo điều kiện DN XK vừa và nhỏ vươn lên.

Thực tế cho thấy, có công ty XK chiếm đến 20% lượng cà phê Robusta của VN nhưng vẫn thua lỗ. Có nhà XK cà phê Arabica hàng đầu nhưng cũng phải nhường sân chơi Arabica lại cho những DN sản xuất và XK nhỏ hơn. Cũng có DN XK gọi là lớn, thừa kho bãi nhưng lại thiếu cà phê chế biến do thiếu vốn thu mua. Nếu xuất ít mà chất lượng cao, có nhiều đối tác muốn mua độc quyền thì nên khuyến khích thay vì xuất nhiều mà hủy hợp đồng hay giao trễ hàng bị loại bỏ, làm ảnh hưởng uy tín cà phê VN.

Hạn chế đầu mối XK cà phê là cần thiết nhưng đây là điều cần có sự chuẩn bị kỹ càng và lộ trình rõ rệt, nếu không sẽ trở thành con dao hai lưỡi. Ngành hàng gạo khi ra Nghị định 109 về điều kiện kinh doanh XK gạo dự kiến giảm đầu mối xuống còn 2 con số, nhưng sau khi có hiệu lực từ 1-10-2011, con số này đã lên 3 con số như trước đó! Không ít người lo ngại, nếu không có những quy định phù hợp và chặt chẽ, DN nhỏ chuyển hình thức XK cà phê từ hàng thực sang mua bán cà phê trên các sàn giao dịch.

Và không loại trừ số DN nhỏ sẽ bán cà phê cho công ty nước ngoài tại VN nhiều hơn vì những DN lớn trong nước không có đủ vốn mua vào, lúc đó, mục đích nâng cao giá trị gia tăng cho ngành hàng cà phê có thể bị phá sản.

Nguồn ĐĂNG LÃM