KTĐT – “Được mùa rớt giá” đã trở thành nỗi lo thường trực của nông dân do sản xuất chạy theo nhu cầu tức thời của thị trường. Chính vì vậy, đẩy mạnh phương thức tiêu thụ nông sản qua hợp đồng được coi là giải pháp hữu hiệu nhất đảm bảo đầu ra cho nông sản.
Mô hình liên kết trồng ớt xuất khẩu xã Đồng Phú, Chương Mỹ.
Sản xuất vẫn manh mún
Xã Văn Đức, huyện Gia Lâm là vùng rau an toàn nổi tiếng của Thủ đô, diện tích chuyên canh 250ha, sản lượng 45 – 50 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện chỉ có duy nhất Công ty TNHH Hương Cảnh bao tiêu 3 – 4 tấn rau/ngày, đạt 6 – 8%. Còn lại phần lớn người nông dân phải mang rau đến các chợ đầu mối, chợ dân sinh để tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Văn Đức cho biết, do chưa có đầu ra ổn định nên rau thường bị cạnh tranh bởi sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Có thời gian rau Trung Quốc nhập vào Việt Nam nhiều, việc tiêu thụ rau của bà con ở đây gặp không ít khó khăn.
Tương tự, nhiều nông sản khác của Hà Nội cũng đang loay hoay tìm đầu ra như hoa quả, thủy sản, thịt gia súc, gia cầm… Trong đó với mặt hàng nổi tiếng của Thủ đô là hoa, hơn 85% sản lượng được tiêu thụ trên địa bàn thành phố nhưng hầu hết do người dân tự mang ra các chợ bán. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, việc tiêu thụ hoa hiện vẫn đang trong tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu chủ động và chạy theo thị trường là chính.
Từ năm 2002, Chính phủ đã có Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa qua hợp đồng. Thế nhưng sau 10 năm, việc thực hiện chính sách này vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng còn thấp như lúa hàng hóa 2,1%, chè 9%, cà phê 2,5%, rau quả 0,9%, thủy sản 13%, gỗ 16,7%… Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đánh giá, chất lượng thực hiện hợp đồng còn nhiều yếu kém. Trong đó, hiện tượng thiếu trách nhiệm, nghĩa vụ để bảo đảm quyền lợi giữa các bên tham gia còn khá phổ biến, tình trạng tranh chấp hợp đồng diễn biến phức tạp…
Kết nối nông dân – doanh nghiệp
Khi tiêu thụ qua hợp đồng, người nông dân không chỉ được đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản mà còn được hỗ trợ các yếu tố đầu vào và dịch vụ sản xuất như vốn, tiến bộ kỹ thuật. Còn phía doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu và có điều kiện giám sát chất lượng nông sản. Theo thạc sĩ Lưu Đức Khải, Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua hợp đồng, Nhà nước cần đẩy mạnh quy hoạch vùng nông sản hàng hoá tập trung, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và thị trường. Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ các địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất nhằm hạn chế tình trạng sản xuất manh mún.
Đặc biệt, để việc liên kết được bền vững, phải có quy định rõ ràng trách nhiệm và cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hợp đồng một cách hài hoà, cũng như các quy định xử lý vi phạm. Bài học từ “sự cố” tranh chấp giữa nông dân trồng rau xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ và Công ty Tonkin trong năm 2011 đã cho thấy rõ điều đó.
Tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng khẳng định, hiện nay Nhà nước không trực tiếp bao tiêu các loại nông sản mà thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ nông sản với nông dân. Gần đây nhất, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn để tạo đầu ra ổn định cho nông sản.