Giữ hồn cho núi

Rừng núi là không gian sinh tồn, đồng thời là không gian văn hóa, lịch sử đặc trưng của cộng đồng dân tộc bản địa Tây Nguyên. Trong không gian ấy, con người đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc và độc đáo, đủ sức nuôi dưỡng và làm thăng hoa đời sống tinh thần cho bao thế hệ.

Âm vang tre trúc

Cũng từ tre trúc mà ra, nhưng không hiểu sao những nhạc cụ truyền thống của người Êđê, M’nông… được làm từ chất liệu đơn giản này lại khiến người nghe mê đắm đến vậy. Ai đã từng được xem những nghệ sĩ và cũng là chủ nhân của các loại nhạc cụ kia biểu diễn, dù chỉ một lần chắc hẳn khó quên. Âm vang từ tre trúc vốn làm nên diện mạo văn hóa đặc sắc và độc đáo trong đời sống tinh thần của các tộc người bản xứ từ bao đời nay. Và giờ đây, bắt đầu từ chỗ không gian diễn xướng các loại hình nghệ thuật của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ đã có sự thay đổi và mở rộng hơn xưa, nên một số nghệ sĩ, nhạc công và nghệ nhân sinh sống và yêu mến mảnh đất này tìm tòi và sáng tạo nên những loại nhạc cụ mới, dựa trên yếu tố truyền thống để gửi gắm, chuyển tải đến với công chúng thưởng lãm các giá trị văn hóa bản địa Tây Nguyên một cách sống động và rộng rãi hơn.

images815030_hon_nui_1

Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Vũ Lân – một chàng trai Hà Nội đã từng gắn bó với mảnh đất này hơn 30 năm qua. Ông tâm sự: mỗi lần đi lưu diễn, hay lang thang một mình trong các buôn làng để cảm nhận âm thanh mộc mạc kia qua tiếng kèn đing năm, đing puốt, kypá, tù và…của người bản xứ, ông càng mê đắm nó, sau đó tự mày mò sáng tạo nên cây sáo vỗ như bây giờ. Cây sáo vỗ của Vũ Lân là sự kết hợp nhuần nhuyễn từ các loại nhạc cụ truyền thống trên. Điều đó được Y San Aliô – một trong những người chơi sáo vỗ hay nhất hiện nay trong Đoàn ca múa nhạc dân tộc Dak Lak thừa nhận. Y San bảo: thực ra, cây sáo vỗ không phải do người dân tộc thiểu số Tây Nguyên chế tác, mà đó là sản phẩm được nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân nghiên cứu, cải tiến từ các loại nhạc cụ khác của đồng bào Tây Nguyên. Nó là sự kết tinh từ nguyên lý phát âm và thủ pháp diễn tấu của kèn đing puốt và kypá. Khác với sáo trúc thông thường, cây sáo vỗ không có lỗ bấm để tạo ra các nốt nhạc. Sáo vỗ chỉ là một ống nứa thẳng dài khoảng 40cm, đầu thổi có lưỡi gà, còn một đầu để trống. Khi diễn tấu, người thổi đánh môi và lưỡi vào đầu thổi, đầu kia của ống sáo được dùng lòng bàn tay và ngón tay vỗ, vuốt, day, chặn… để tạo ra nhiều cung bậc âm thanh đa sắc và phong phú. Âm thanh cây sáo vỗ xuất hiện lần đầu tiên trên sàn diễn vào khoảng đầu những năm 1990. Từ đó đến nay, âm thanh độc đáo này luôn vang lên du dương, trầm bổng trên các sàn diễn cả trong nước và quốc tế. Với cây sáo vỗ, Y San đã đoạt nhiều huy chương trong các kỳ liên hoan ca múa nhạc dân tộc, trong đó đáng kể nhất là huy chương Vàng tại hội diễn toàn quân do Trường Đại học Văn hóa – nghệ thuật Quân đội tổ chức và huy chương Bạc tại Hội diễn ca múa nhạc dân tộc toàn quốc cách đây mấy năm. Cây sáo vỗ cũng đã từng tham gia biểu diễn trên sân khấu các nước châu Âu hiện đại như Pháp, Ý, Thụy Điển…và để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng người hâm mộ. Trong đó đáng chú ý nhất là vào năm 2005, trong dịp Tổ chức UNESCO trao bằng công nhận “Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại” tại thủ đô Pari – Pháp, cây sáo vỗ được Y San biểu diễn kết hợp với dàn chiêng buôn Kô Sia (thành phố Buôn Ma Thuột) đã khiến giới chuyên môn về âm nhạc đánh giá cao về sự khác lạ và độc đáo của nó. Không cần nhiều loại nhạc cụ như Đing năm, Đing puôt, tù và… hòa điệu cùng một lúc, chỉ độc một mình cây sáo vỗ dưới bàn tay của nghệ sĩ Y San cũng đủ mang lại cho người thưởng lãm cả một không gian đầy ắp vốn âm nhạc truyền thống của các dân tộc bản địa. Cũng từ đây, GS. Trần Văn Khê đánh giá: sáo vỗ là sự kế thừa và phát triển độc đáo vốn nhạc cụ và âm nhạc của người Tây Nguyên hiện nay.

images815031_hon_nui_5

Cùng với NSƯT Vũ Lân, Y San Aliô, nhiều người biết đến Trương Ân cũng nhờ những âm thanh tre trúc chở đầy cảm xúc và suy tư trong đời sống tinh thần người bản địa mà anh đã cùng đồng nghiệp kế thừa và sáng tạo nên. Từ những ống tre trúc dài ngắn khác nhau được đồng bào dân tộc thiểu số (Êđê, Bana, Jrai) treo trang trí trước hiên nhà, để khi cơn gió thổi qua làm những ống tre trúc ấy va đập vào nhau nghe lanh canh, lúc khoan, lúc nhặt… Trương Ân kết hợp nó lại thành một hàng ống liền kề nhau (số lượng nhiều hay ít tùy thuộc vào không gian diễn xướng), sau đó đeo vào người để gõ – và loại nhạc cụ mới mẻ này được gọi là chiêng gió đeo. Nghệ sĩ Trương Ân cho rằng: chiêng gió đeo có lợi thế là di chuyển linh hoạt trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trên sân khấu cố định, hay ngoài trời khoáng đạt. Ở đâu cũng có thể hòa điệu nhịp nhàng với các loại nhạc cụ truyền thống nổi trội như cồng chiêng, đàn T’rưng và nhiều bộ gõ có ống cộng hưởng khác. Đặc biệt, nghệ sĩ này còn mày mò cải tiến hàng âm (khi lên cao, lúc xuống thấp) cho chiếc đàn Ching Kram truyền thống theo hướng hiệu quả hơn trong khi tham gia diễn tấu. Ching Kram nguyên thủy chỉ có một hàng thanh tre ngang, mỗi thanh tre được coi là một phím đàn, có điều khi đánh lên, âm thanh không vang và âm vực không sâu rộng bằng Ching Kram sau khi được cải tiến. Nghệ sĩ Trương Ân cho hay: trên nguyên tắc cộng hưởng giữa hàng thanh tre ngang và hàng ống thẳng đứng phía dưới của chiếc đàn, anh nâng lên thành hai hàng ống với nhiều biên độ cộng âm phong phú hơn, nên chiếc đàn Ching Kram được cải tiến này dễ dàng hòa điệu với tất cả các loại nhạc cụ khác, kể cả dàn nhạc hiện đại nhất. Ching Kram từ đó không những độc tấu một mình, mà còn giữ nhịp đệm và hòa tấu với bất kỳ một “bữa đại tiệc âm nhạc” hiện đại và hoành tráng nào đó diễn ra trong mọi không gian diễn xướng. Qua những cuộc liên hoan âm nhạc trong nước và quốc tế, Ching Kram cải tiến được giới chuyên môn đánh giá cao và xem đó là chiếc đàn “Piano” của Tây Nguyên đương đại.

Lan tỏa và chinh phục bạn bè quốc tế

Sức lan tỏa của vốn âm nhạc truyền thống người bản địa Tây Nguyên đã thật sự sâu rộng và ngày càng chinh phục được trái tim của bạn bè trong và ngoài nước. Minh chứng là mới đây, tại Fetival Âm nhạc dân gian Quốc tế tại Phần Lan được tổ chức vào những ngày đầu tháng 7-2011, NSƯT Vũ Lân, nghệ sĩ Trương Ân và nghệ nhân Ma Kim đều bất ngờ và vô cùng hạnh phúc trước sự đón nhận háo hức, cuồng nhiệt của bạn bè quốc tế. Họ kể lại rằng: trong các chương trình biểu diễn tại thành phố Kuhmo và Kajanin – Phần Lan, Đoàn nghệ nhân Việt Nam được mọi người đặc biệt quan tâm. Cứ sau mỗi tiết mục hòa tấu kypá và đing pơng, diễn tấu H’nung ngba, đing năm, sáo lút, đinh puốt, đinh tạc tà, tưng gơ và độc tấu sáo vỗ (có đệm đing pá và trống) của Vũ Lân, Ma Kim và Trương Ân đều được đáp lại bằng những tràng pháo tay kéo dài. Bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và say mê âm vang tre trúc Tây Nguyên bởi sự đặc sắc, độc đáo ở chỗ: cũng là các nhạc cụ thuộc bộ hơi, nhưng biện pháp kích âm không chỉ thổi, mà còn sử dụng các thao tác diễn xướng như vỗ, gõ, dỗ, dọng, vuốt… tạo nên những thang âm phong phú, đa dạng hơn. Đặc biệt là tiết mục độc tấu sáo vỗ có đệm đing pá và trống của ba nghệ nhân Dak Lak sự hòa quyện nhuần nhuyễn về phương thức kích âm rất lạ, rất độc đáo trong việc chế tác và biểu diễn các nhạc cụ các dân tộc bản địa.

images815032_hon_nui_2

Hơn thế, sau khi xem xong phần biểu diễn, họ còn tìm cách tiếp xúc với các nghệ nhân trong đoàn để tìm hiểu về các loại nhạc cụ truyền thống của các tộc người ở Tây Nguyên. Ông Ma Kim gật gù tâm đắc: điều đó thật hạnh phúc, bởi một phần vốn văn hóa của cha ông mình đã được mọi người biết đến và cơ hội giới thiệu, quảng bá cho nền văn hóa ấy đã bắt đầu rộng mở, có sức lan tỏa trong giới nghiên cứu lẫn người thưởng lãm. Sức lan tỏa ấy cùng với sự đón nhận cuồng nhiệt của bạn bè dành cho đoàn nghệ nhân Việt Nam ưu ái và trân trọng đến mức, trên trang nhất của Báo Kuhmolainen – Phần Lan, ký giả Uylensky đã viết bài giới thiệu và cảm nhận về sự độc đáo của các loại nhạc cụ tre trúc Tây Nguyên trong dòng chảy của âm nhạc dân gian Việt Nam nói chung rằng: “Khi xem các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn, không ai dám nhìn vào đôi mắt họ. Bởi trong đó hiện ra sự sôi động, lôi cuốn đến khó cưỡng lại được… khiến người ta như muốn nhào lên để hòa cùng với bàn tay và bước chân ma mị của họ…”

Hồn của núi, hay nói cách khác một trong những yếu tố văn hóa âm nhạc đặc sắc và độc đáo của cộng đồng các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên đã được chắp cánh để bay xa hơn, trở thành “sứ giả” văn hóa kết nối và mở ra cánh cửa giao lưu và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Nguồn Baodaklak.vn