Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ước tính, năm nay lượng đường dư thừa so với nhu cầu tiêu thụ trong nước có thể trên 100.000 tấn. Điều này đòi hỏi phải có những can thiệp kịp thời để tạo điều kiện cho người nông dân và các nhà máy đường yên tâm sản xuất vụ sau.
Tin từ Hiệp hội Mía đường, việc tiêu thụ đường đang khó khăn. Cả nước hiện có 40 doanh nghiệp sản xuất đường tại 28 tỉnh, thành phố. Do lượng đường dư thừa, kho chứa không đảm bảo nên nhiều nhà máy đường hiện nay đang phải bán tháo. Nhiều nhà máy đang bán dưới 16.000 đồng/kg. Dự kiến, đến tháng 7, các tỉnh miền Nam sẽ kết thúc thời vụ, còn các tỉnh miền Bắc và miền Trung sẽ kết thúc vào khoảng tháng 5. Tuy nhiên, từ cách đây 6 tháng, khoảng 1/3 số nhà máy đã có nguy cơ bị lỗ.
“Các công ty thương mại không trữ đường như mọi năm. Việc trữ đường hiện nay dồn vào các công ty đường. Kho chứa thì không đủ, chịu áp lực thanh toán mía nguyên liệu và đầu tư cho người nông dân và lãi vay ngân hàng nên nhiều nhà máy bắt buộc phải hạ giá bán để thu hồi vốn” – ông Phạm Ngọc Thao, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Nam, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho rằng cân đối cung cầu đường có thể dư trên 100.000 tấn nhưng vẫn có khả năng điều tiết được lượng đường này.
Để giảm áp lực trong lưu thông, tạo điều kiện cho các nhà máy đường thu hồi vốn, phục vụ sản xuất, Bộ NN&PTNT đồng ý trước mắt cho xuất khẩu đường từ 100.000 – 150.000 tấn. Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương giải quyết thủ tục cấp giấy phép cho một số doanh nghiệp có công văn xin xuất khẩu đường.
Trước mắt, nhằm đảm bảo nguồn cung và ổn định giá đường trong nước, Bộ NN&PTNT đang kiến nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ cho tạm trữ 200.000 tấn đường với thời gian 6 tháng. Về cơ chế, trước mắt là tăng hạn mức tín dụng tương ứng với số lượng đường tạm trữ để các nhà máy đảm bảo vốn sản xuất. Ông Phạm Ngọc Thao nói: “Việc tạm trữ này sẽ giúp người nông dân yên tâm trồng mía và bán mía lâu dài cho các nhà máy đường”.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Bộ Công Thương xây dựng Chiến lược xuất khẩu đường đến năm 2020.