Trong quá trình thực hiện cho vay vốn tái canh cà phê vẫn còn nhiều bất cập nên khách hàng rất khó vay được vốn.
Thời gian qua, Ngân hàng NN&PTNT – Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn tái canh cà phê. Theo cam kết của Ngân hàng này, từ năm 2014 – 2020 đơn vị sẽ cho vay hơn 277 tỷ đồng để tái canh 2.330 ha cây cà phê.
Ông Hà Văn Lạc, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV 720, ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam cho biết, công ty có 320 ha cà phê, phần lớn đã già cỗi cần tái canh.
Từ năm 2009 đến nay, công ty mới tái canh được gần 97 ha do thiếu vốn. Để tái canh hết diện tích này, công ty cần hơn 70 tỷ đồng. Trong khi đó, mỗi ha chỉ được ngân hàng cho vay khoảng 180 triệu đồng nhưng cấp vốn nhiều đợt theo tiến độ.
“Tái canh cà phê khó khăn nhất là vấn đề vốn, đặc biệt là vốn vay theo chương trình tái canh cà phê của Chính phủ. Mặc dù đã được tạo điều kiện, nhưng về thủ tục yêu cầu đòi hỏi tài sản thế chấp dường như không có sự thống nhất của các Bộ, ban ngành. Nếu chương trình cho phép doanh nghiệp lấy tài sản vườn cây hình thành trong tương lai làm tài sản đảm bảo để thế chấp ngân hàng sẽ rất thuận lợi”, ông Lạc nói.
Chương trình tái canh cây cà phê triển khai chậm do khó khăn về nguồn vốn. (Ảnh minh họa: KT)
Ông Phạm Quang Hùng, Trưởng phòng kinh doanh, Ngân hàng NN&PTNT – Chi nhánh Ea Kar cho biết, từ đầu năm đến nay, dư nợ cho vay của chi nhánh hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay tái canh cà phê với các doanh nghiệp nhà nước đạt khá cao. Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện cho vay vốn tái canh cà phê, hiện vẫn còn nhiều bất cập nên khách hàng khó vay được vốn.
Cụ thể theo ông Hùng, việc định giá tài sản hiện nay rất khó thực hiện. Với các doanh nghiệp nhà nước có nhu cầu vay vốn tái canh rất lớn nhưng đất canh tác của doanh nghiệp là đất thuê nên không có tài sản thế chấp. Còn với cây trồng trên đất (hay còn gọi là tài sản hình thành trên đất), hầu hết các cơ quan chức năng tại địa phương chưa cấp quyền sở hữu đối với cây lâu năm nên cơ quan đăng ký giao dịch đảm bảo không nhận đăng ký.
Ông Phạm Quang Hùng cho biết thêm, Chi nhánh đang tháo gỡ những khó khăn này để giải quyết cho vay tái canh cây cà phê. Cụ thể là đối với các công doanh nghiệp đã xây dựng 5 – 10 năm, việc hoàn công để cấp giấy phép xây dựng và làm thủ tục cấp quyền sở hữu đối với những tài sản này hiện không thể thực hiện được.
Thứ nữa là hiện nay chưa có một văn bản quy định đối việc thế chấp, xác nhận quyền sở hữu đối với vườn cây để làm tài sản thế chấp cho ngân hàng. Vì thế, khi các đơn vị này không có đủ tài sản thế chấp thì hiện nay ngân hang cũng khó khăn trong vấn đề cho vay.
“Nếu ngân hàng áp dụng nghị định 55 để cho vay, mức cho vay không được nhiều theo đúng nhu cầu mà doanh nghiệp cần tái canh. Hiện nay một số đơn vị nhu cầu tái canh lên cả trăm tỷ đồng nhưng không có tài sản thế chấp ngân hàng không thể giải ngân số tiền này”, ông Hùng nêu rõ.
Theo ông Hồ Xuân Bửu Tư, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT – Chi nhánh Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, Nhà nước cần có cơ chế tách bạch giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại. Các cơ quan chức năng nên xem xét hỗ trợ 50% lãi suất cho khách hàng trong thời gian ân hạn, đồng thời nâng mức đầu tư cấp tín dụng lên cao hơn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng vay tái canh cây cà phê từ 180 triệu đồng lên 200 triệu đồng/ha.
“Cần phải có cơ chế từ tầm vĩ mô đến cơ sở có hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế thế chấp, ai là người xác định tài sản trên đất và cơ quan nào đăng ký thế chấp để doanh nghiệp thuận tiện trong thế chấp tài sản”, ông Tư đề nghị.
Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk cam kết, từ năm 2014 đến 2020 sẽ cho vay hơn 277 tỷ đồng để tái canh 2.330 ha cà phê. Đây là diện tích nằm trong vùng quy hoạch được tỉnh phê duyệt, tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật trồng tái canh, không cho phép trồng xen cây lâu năm khác trong vườn cà phê tái canh./.