Thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã triển khai trồng thí điểm 30ha chuối Nam Mỹ trên địa bàn các xã Krông Na, Ea Huar và Ea Nuôl với mục tiêu rất rõ ràng: xuất khẩu để mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác.
Giấc mơ tan thành mây khói
Dù bà con đã tuân thủ đúng theo quy trình sản xuất nhưng chuối vẫn không đủ điều kiện xuất khẩu. Ảnh: IT
Ông Nguyễn Đức Buông ở buôn Ea Mar (Krông Na) là một trong những hộ đầu tiên tham gia dự án với 1,3ha chuối. Ông Buông cho hay, ông được Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ một nửa giá cây giống, cán bộ chuyển giao kỹ thuật công ty thường xuyên thăm vườn và hướng dẫn chăm sóc theo quy trình.
Sau gần 1 năm chăm bón, chuối đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tuy nhiên, theo đánh giá, thành phẩm chuối của ông Buông chỉ đạt loại B, nghĩa là chỉ tiêu thụ nội địa chứ không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, do có những đốm nâu trên quả.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Trung Thành cũng ở buôn Ea Mar tham gia dự án từ những ngày đầu với hơn 2.500 cây chuối Nam Mỹ trên diện tích 1ha đất. Toàn bộ giống cây, phân bón, thuốc trừ sâu đều do Công ty cổ phần đầu tư Chuối Việt (đơn vị ký hợp đồng bao tiêu cho bà con) cung cấp, quy trình chăm sóc được thực hiện theo hướng dẫn và dưới sự giám sát của nhân viên công ty.
Theo ông Thành, bản thân ông và các nông hộ đều thực hiện đúng quy trình canh tác từ lúc trồng giống đến kỹ thuật chăm sóc theo các giai đoạn phát triển, sinh trưởng của cây chuối, thậm chí việc diệt sâu, bệnh hại cũng tuân thủ nghiêm ngặt sự hướng dẫn của công ty.
Nhiều nông dân lỗ nặng vì đầu tư chi phí lớn nhưng lợi nhuận thu lại không đáng là bao. Ảnh: IT
Đến cuối năm 2017, người trồng chuối trên địa bàn huyện Buôn Đôn bắt đầu thu hoạch vụ đầu tiên trong sự thất vọng nặng nề. Toàn bộ sản phẩm chuối Nam Mỹ từng được kỳ vọng sẽ xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, đem lại hiệu quả kinh tế cao đều không đủ tiêu chuẩn loại 1 để phía công ty thu mua.
“Ngay từ vụ đầu tiên gia đình tôi đã đầu tư 150 triệu đồng chi phí sản xuất, nhưng thu lại chỉ được 30 triệu đồng sau khi bán chuối và thua lỗ 120 triệu đồng. Nhận thấy giống chuối mới không thể đem hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tôi đã phá bỏ 1 ha chuối Nam Mỹ để chuyển đổi sang cây trồng khác”, ông Thành chua xót nói.
Theo hợp đồng, khi trồng đúng theo quy trình thì các vườn có thể đạt 90% chuối loại A trở lên (giá thu mua là 5.000 đồng/kg); chỉ có khoảng 10% chuối loại B (giá 3.000 đồng/kg). Tuy nhiên thực tế tại huyện Buôn Đôn, trong số gần 30ha chuối đã cho thu hoạch thì không có vườn nào đạt được loại A.
Chuối không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, không được Công ty cổ phần Đầu tư Chuối Việt thu mua theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm, người trồng chuối phải bán ra thị trường với giá từ 2.000 – 3.000 đồng/kg.
Không thể xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo thu nhập cho bà con
Đó là khẳng định của bà Trần Thị Thủy, Phó Phòng NNPTNT huyện Buôn Đôn khi được hỏi về kế hoạch xuất khẩu bị phá sản nhanh chóng. Bà khẳng định: “Dù không thể xuất khẩu như mục tiêu ban đầu, nhưng cây chuối tại Buôn Đôn vẫn đem lại thu nhập ổn định hơn so với các loại hoa màu được trồng trước đây”.
Chuối Nam Mỹ “thất thủ” trước khi lên đường đi xuất khẩu. Ảnh: IT
Cũng theo bà Thủy, sở dĩ chuối bà con trồng không thể xuất khẩu vì không đáp ứng được yêu cầu mà Công ty cổ phần Đầu tư Chuối Việt đề ra. “Phía công ty thu mua yêu cầu trên buồng chuối không có trái chuối nào có chấm màu đen, tuy nhiên hầu hết tất cả các buồng chuối đều không đạt được tiêu chuẩn này và phải tiêu thụ ở thị trường nội địa” – bà Thủy thông tin.
Ông Hoàng Thế Hiền, cán bộ chuyển giao kỹ thuật công ty cổ phần đầu tư Chuối Việt cho biết, dù đã được hướng dẫn chặt chẽ từng giai đoạn, nhưng người dân chưa thực sự làm đủ và đúng theo quy trình hướng dẫn. Do đó, thành phẩm chuối không đạt tiêu chuẩn như quy định, nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy được. Trong khi đây là sản phẩm xuất khẩu nên yêu cầu về chất lượng rất ngặt nghèo.
Hiện, nhiều hộ gia đình đã “quay lưng” với vườn chuối ngay sau vụ đầu thu hoạch, một số diện tích chuối bị nông dân “bỏ rơi” không tiếp tục chăm sóc. Nhiều nông hộ chịu lỗ hàng trăm triệu phá bỏ vườn chuối để chuyển đổi sang cây trồng khác, một số hộ cố gắng chăm sóc vườn chuối và nuôi hy vọng thu lãi từ thị trường nội địa.
Thiết nghĩ, đây cũng chính là bài học đắt giá cho các địa phương cần cân nhắc kỹ trước khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi, đồng thời cũng là kinh nghiệm quý báu với nông dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm sao đem lại hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.