Luôn được đánh giá là ngành xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao cho đất nước suốt hơn 20 năm qua và được coi là mặt hàng chiến lược, song chưa năm nào, ngành gạo có thể “kê cao gối” mà hưởng thụ trọn vẹn những thành quả làm ra. Xuất khẩu nhiều, nhưng giá trị xuất khẩu không cao, đời sống người trồng lúa vẫn quay quắt. Nghịch lý này chưa biết đến khi nào có hồi kết.
Canh cánh mối lo rớt giá
Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, 4 tháng đầu năm, ngành gạo đã ký được hợp đồng xuất khẩu 4,231 triệu tấn gạo, con số này tăng so với cùng kỳ năm 2012 khoảng 9,92%. Tăng lượng xuất khẩu đáng lẽ phải là tín hiệu vui song dường như những người trong ngành lại đang ấp ủ nhiều mối lo. Lo hơn hết cả đó là gạo đang rớt giá rất mạnh. Gạo rớt giá khiến DN xuất khẩu đối diện với thực trạng thua lỗ, nhưng khổ hơn cả vẫn là nông dân – người trực tiếp làm ra hạt gạo bởi không một vụ nào, họ có thể yên tâm rằng, hạt lúa họ trồng ra sẽ mang về lợi nhuận đáng kể bù đắp công sức của họ.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong chuỗi giá trị hạt gạo, lợi nhuận của những thành phần tham gia được “đúc kết” như sau: nông dân được 37%; thương lái: 18,9%; cơ sở xay xát: 12,3%; nhà máy lau bóng gạo: 4% và DN xuất khẩu là 27,8%. Song trên thực tế, phần trăm lợi nhuận mà nông dân được hưởng thậm chí còn không đạt được 30%. Và kể cả chúng ta có xuất khẩu được một lượng gạo lớn đến mức nào đi chăng nữa, thì giá trị kinh tế thu về không hề tương xứng với lượng xuất đi. Nguyên nhân đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đó là chúng ta đang thực hiện chiến lược xuất khẩu tầm cỡ nhất, nhì thế giới, song về kỹ thuật, tư duy sản xuất thì lại manh mún, thô sơ. Người nông dân làm ra cây lúa nhưng lại luôn ở thế bị động, lúc nào cũng ở tâm trạng nơm nớp lo lúa thu hoạch về không bán được, lại ế đầy kho nên thường xuyên bị thương lái ép giá. Và giới chuyên gia ngành nông nghiệp “gút” lại rằng, để tình trạng trên đã, đang và vẫn tiếp tục xảy ra đối với ngành lúa gạo, chủ yếu vẫn bởi phương thức tổ chức sản xuất lúa gạo ở nước ta chưa tốt, tồn tại quá nhiều trung gian trong chuỗi cung ứng sản phẩm; chất lượng lúa nguyên liệu, quá trình bảo quản chế biến chưa được kiểm soát chặt chẽ; vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ và hợp tác với người nông dân còn mờ nhạt, thiếu ràng buộc bởi những quy định có tính pháp lý.
Biết nguyên nhân, nhưng khó khắc phục!
Trên thực tế, chính việc sản xuất manh mún như hiện nay đã gây khó khăn trong việc áp dụng khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật nên chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Ngoài ra, việc sản xuất manh mún còn gây khó khăn trong việc ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp chế biến hoặc bao tiêu sản phẩm cũng khó có thể ký kết hợp đồng liên kết với hàng chục hộ nông dân có quy mô sản xuất, trình độ canh tác khác nhau.
Tuy nhiên, không phải những người trong cuộc, DN sản xuất, và bản thân những người nông dân không hiểu rằng phải áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật thì mới có thể làm tăng giá trị hạt gạo xuất khẩu, song trên thực tế, cái khó bó cái khôn, khi mà xuất khẩu của ta vẫn đang phải phụ thuộc quá nhiều vào khâu trung gian. Thử hình dung thế này, người nông dân làm ra hạt gạo, nhưng không biết làm sao để đến được với DN xuất khẩu, và đương nhiên, họ chỉ còn cách nhờ khâu trung gian là các thương lái. Bất cập trong xuất khẩu của ta chính là ở khâu này. Nông dân bị ép giá, đó là cái thiệt thòi của nông dân, nhưng hạt gạo khi xuất khẩu sang nước bạn, chất lượng lại không cao. Đó cũng chính là một nhược điểm khiến gạo xuất khẩu của ta luôn thua gạo Thái Lan, mặc dù có lúc, có thời điểm đã vượt ngôi xuất khẩu của nước này.
Một chuyên gia ngành nông nghiệp đã từng “bóc trần” một sự thật khi phân tích nguyên nhân giá gạo xuất khẩu của ta không cao. Đó là bởi chất lượng gạo xuất khẩu của ta xấu. Song, cái xấu đó không phải do nông dân, mà là do… thương lái. Thương lái cứ đi thu gom khắp nơi, ăn phần chênh lệch giữa nông dân và DN xuất khẩu (mà đáng ra phần này là của nông dân) rồi họ trộn ba, bốn giống lúa, thậm chí nhiều hơn và bán cho DN xuất khẩu. Theo vị chuyên gia này, DN xuất khẩu hiện nay hầu hết vẫn đang phải dùng cách thu gom gạo từ nhiều thương lái. Và trước khi gạo được giao cho khách theo đơn đặt hàng, bao giờ cũng phải qua khâu đánh bóng. Song, vì DN vẫn phải thu gom gạo từ nhiều thương lái nên mỗi hạt gạo được thương lái đánh bóng một kiểu, nhiều khi chất lượng không đảm bảo vì phải chạy theo số lượng…
Để nâng cao chất lượng chuỗi giá trị cho hạt gạo, còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng giới chuyên gia cho rằng, điều đầu tiên cần làm vẫn phải là hạn chế được khâu trung gian – thương lái. Tuy nhiên, điều này dường như ngành gạo vẫn chưa thể làm được. Các chuyên gia vẫn giữ vững ý kiến rằng, để hạn chế được khâu này, cần tiếp tục xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Theo đó là phải làm sao tập hợp được các hộ nông dân sản xuất lúa nhỏ lẻ vào trong một cánh đồng lớn, để cùng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong canh tác lúa. Đây chính là cơ sở để đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap, tiến đến xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam kể cả trong nước và xuất khẩu.