Giá cà phê nhân xô trên thị trường nội địa đạt mức cao nhất tính từ đầu niên vụ. Mua bán nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài nghỉ Tết Quý Tỵ. Dự kiến trong tháng 3-2013, lượng xuất khẩu cà phê nước ta sẽ phục hồi nhanh bù cho tháng nghỉ Tết… vì cước tàu biển tăng mạnh nay mai.
Giá robusta…thơm phức
So với cà phê arabica, hương thơm của robusta không sánh bằng nên robusta thường chỉ được dùng để phối trộn, còn arabica hay “cà phê thơm” được sử dụng như chất liệu chủ đạo cho ly cà phê tại nhiều nơi trên thế giới. Thế mà, tuần qua, loại cà phê robusta khiêm nhường này lại thơm ngậy lên nhờ giá tăng vững, so với giá sàn arabica èo uột, vô hồn.
Hôm nay thứ bảy 2-3-2013, giá cà phê nhân xô trên thị trường nội địa đạt mức 42.500 đồng/kg, tăng 1.200 đồng/kg so với cuối tuần trước, cũng chính là mức cao nhất tính từ đầu niên vụ (1-10-2012) đến nay. Tuy nhiên, đấy là mức giá “chính thống” được người bán hàng đàng hoàng xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT). Ngoài ra, còn có một mức giá khác cao hơn, 43.000 đồng/kg cho những ai chấp nhận bán không cần hóa đơn GTGT. Nên, ngay cả giá kỷ lục cũng cần được phân định “trong luồng” hay “ngoài luồng”.
Với các mức giá này, nhiều người đã phấn khởi bán ra ít nhiều. “Không ngờ sau Tết giá tăng lại, tôi quyết định bán một ít vì dù sao đây cũng là mức cao nhất từ đầu niên vụ đến nay”, một nông dân tại Daklak cho biết.
Trên sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE tuần này, sau khi giảm 8 đô la/tấn so với ngày thứ sáu 22-2 vào ngày đầu tuần, giá kỳ hạn robusta tăng vững. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần khuya hôm qua thứ sáu 1-3 tức rạng sáng nay thứ bảy 2-3-2013, giá kỳ hạn robusta cơ sở tháng 5-2013 đứng mức 2.115 đô la, tăng 7 đô la so với ngày thứ năm 28-2 và tăng 28 đô la/tấn so với tuần trước (xin xem biểu đồ).
Dù cả tuần sàn robusta chỉ tăng 28 đô la/tấn, so với sàn arabica Ice New York, mức tăng ấy tỏ ra “thơm phức” khi sàn “cà phê thơm” lại giảm điểm. Tuần này, giá arabica cơ sở tháng 5-2013 đứng tại mức 143.35 cts/lb, giảm 0.45 cts/lb tương đương âm 10 đô la/tấn.
Cũng cần nhắc lại rằng suốt năm 2012, giá sàn arabica Ice New York đã giảm mất 37% trong khi đó robusta Liffe NYSE lại tăng 13%.
Ai đẩy giá tăng?
Thực vậy, phải công nhận rằng tuần qua, giá robusta trên sàn kỳ hạn Liffe NYSE London tăng khá đẹp so với sàn arabica Ice New York. Lý do tăng có thể được giải thích là nhờ Quỹ Đầu tư Chỉ số Rogers (Rogers International Commodities Index – RICI) thực hiện thêm một đợt điều chuyển vốn từ sàn kỳ hạn arabica Ice sang robusta Liffe NYSE. Trong tuần, người ta thấy rất rõ hiện tượng đầu cơ bán các hợp đồng trên sàn arabica (làm giá rớt hay lừng khừng) để mua trên sàn robusta London (giúp giá tăng).
Mặt khác, thị trường đã chịu nghe tin đồn hạn hán tại các vùng trồng cà phê tại Việt Nam. Từ mấy năm nay, năm nào cũng có tin hạn hán làm giảm mạnh sản lượng cà phê của nước ta song tổng kết cuối niên vụ, sản lượng và xuất khẩu lúc nào cũng cao hơn năm trước. Do vậy, nhiều chuyên gia nghiên cứu sản lượng ít khi tin vào những tin đồn này.
Song đầu cơ thường lại thích những tin đồn theo kiểu này và nương theo các đồn đoán của thị trường để kiếm cơ hội, như tranh thủ mua gom mạnh lượng hàng lớn. Một khi có lượng hàng đủ mạnh, họ sẽ làm giá theo ý mình, đặc biệt là giá xuất khẩu dựa trên mức chênh lệch giữa giá niêm yết của sàn kỳ hạn với giá giao hàng tại cảng nước xuất khẩu (hay còn được gọi là giá “trừ lùi” nếu thấp hơn giá kỳ hạn hoặc “cộng tới” nếu cao hơn giá niêm yết).
Giá tăng…xuất khẩu càng hăng
Báo cáo ra định kỳ hàng tháng mới nhất của Tổ chức Cà phê Thế giới (International Coffee Organization – ICO) nói rằng trong tháng 1-2013, tổng lượng xuất khẩu giao hàng xuống tàu của các nước thành viên đạt 9,667 triệu bao (60 kg/bao), tăng 19,5% so với 8,091 triệu bao cách đấy 1 năm. Trong đó, arabica Colombia tăng 44%, arabica Brazil tăng 18% và robusta tăng mạnh, đến 34%, đạt 4,097 triệu bao. Như vậy, 4 tháng đầu niên vụ 2012-13, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 37,869 triệu bao, tăng 16% so với cùng kỳ.
Tổng cục Thống kê Việt Nam cũng đã đưa ra ước lượng xuất khẩu cà phê trong tháng 2-2013 của nước ta dự kiến đạt chừng 100.000 tấn, giảm 54,3% so 219.000 tấn của tháng 1-2013. Lượng xuất khẩu giảm do đợt nghỉ Tết Quý Tỵ kéo dài.
Tuy nhiên, lượng xuất khẩu trong tháng 3-2013 sẽ bù đắp cho lượng xuất khẩu giảm tháng 2-2013, vì trong tuần qua giá cà phê trên sàn kỳ hạn và tại thị trường nội địa đang lên lại kích thích bán ra. Mặt khác, cước vận tải tàu biển từ thành phố Hồ Chí Minh đi các nơi sẽ có đợt tăng đại trà vào nửa cuối tháng 3-2013 này. Ước số tiền tăng cho đoạn từ thành phố Hồ Chí Minh đến châu Âu có thể đến 500-600 đô la Mỹ/container 20 feet, tức bình quân từ 25-30 đô la/tấn.