Giá như biết rõ để nộp chứng cứ!

Ngày 08/8/2016, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Đắk Lắk đã xét xử phúc thẩm, hủy Bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Krông Pắk và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Theo đơn khởi kiện và trình bày của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Tiệp: Ngày 11/02/2015, bà Phan Thị Lý có vay của bà Tiệp số tiền 240.000.000đ. Khi vay hai bên có giấy vay tiền, không thỏa thuận lãi suất.

Bà Lý hẹn đến ngày 01/3/2015 sẽ trả nợ cho bà Tiệp; bà Lý ký và ghi rõ tên dưới mục người vay. Việc vay tiền có ông Phạm Quang Hiệp (em trai bà Tiệp) có mặt và chứng kiến.

Đến thời hạn trả nợ bà Lý không trả, vì vậy bà Tiệp làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà Lý trả cho bà Tiệp số tiền gốc là 240.000.000đ và tiền lãi suất theo quy định của pháp luật kể từ ngày bà Lý vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Việc bà Tiệp cho bà Lý vay tiền thì ông Hoàng Văn Toàn (chồng của bà Lý) không biết nên bà Tiệp không yêu cầu ông Toàn phải trả nợ cho bà Tiệp. Bà Tiệp ủy quyền cho ông Võ Ngọc Cường tham gia tố tụng trong vụ án.

Quá trình giải quyết vụ án, TAND huyện Krông Pắk đã tống đạt các văn bản tố tụng và triệu tập hợp lệ bà Lý và ông Toàn lên làm việc nhưng bà Lý và ông Toàn vắng mặt không có lý do.

Trước khi xét xử hai ngày, ông Toàn bà Lý đến Phòng Công chứng số 2 tỉnh Đắk Lắk để ủy quyền cho ông Trương Hùng tham gia tố tụng trong vụ án. Ngày 16/2/2016, ông Hùng đến TAND huyện Krông Pắk trình giấy ủy quyền và xin sao chụp hồ sơ để chuẩn bị tham gia tố tụng. Tuy nhiên Tòa án đã không đồng ý vì ông Hùng vi phạm điểm đ khoản 2 Điều 58 Bộ luật tố tụng dân sự, ông Hùng đã lấy giấy ủy quyền về. Cùng ngày, Toà án ra Thông báo yêu cầu bà Lý ông Toàn phải tiếp tục tham gia tố tụng.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử vào ngày 18/2/2016, vắng mặt ông Toàn bà Lý. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2016/DSST của TAND huyện Krông Pắk tuyên xử: chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của bà Tiệp. Buộc bà Lý có nghĩa vụ phải trả cho bà Tiệp 261.060.000đ (nợ gốc là 240.000.000đ; nợ lãi là 21.060.000đ).

Ngày 19/02/2016, bà Lý lập tức kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm.

Sau khi cấp phúc thẩm thụ lý vụ án, ngày 06/6/2016 bà Lý đã cung cấp cho Tòa án bản gốc “Giấy thỏa thuận” ghi ngày 11/02/2015 do bà Tiệp viết ký tên và đưa cho bà Lý có nội dung: bà Tiệp đã nhận của bà Lý số tiền nợ là 240.000.000đ, bà Tiệp còn nợ lại bà Lý 16.000.000đ.

Ngày 7/6/2016, Thẩm phán được phân công lập “Biên bản lấy lời khai” đối với bà Tiệp, bà Tiệp thừa nhận giữa bà và bà Lý từ trước đến nay chỉ có 1 giao dịch vay mượn khoản tiền như đã khởi kiện. Tòa án cho bà Tiệp biết về chứng cứ mới là “Giấy thỏa thuận” ghi ngày 11/02/2015 do bà Lý cung cấp để bà Tiệp có ý kiến. Ngày 14/6/2016, bà Tiệp có “Đơn xin trình bày” trình bày chứng cứ do bà Lý giao nộp là của một khoản nợ khác.

Phiên tòa phúc thẩm mở lần thứ hai xét xử vào ngày 08/8/2016 lần này vắng mặt bà Tiệp. Xét thấy vụ án phát sinh tình tiết mới, bà Tiệp vắng mặt nên không thể làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm được nên Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Đắk Lắk căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 tuyên hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Như vậy, Tòa sơ thẩm thụ lý vụ án ngày 29/5/2015, đến ngày xét xử phúc thẩm đã 13 tháng 10 ngày; tính từ ngày vay 11/2/2015 đã 17 tháng 28 ngày, số tiền 240.000.000đ không biết đang ở đâu và bao giờ được về với “chính chủ”. Đối với các vụ án tranh chấp vay tài sản bên thua kiện thường tránh né tham gia tố tụng, tìm cách kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Pháp luật tố tụng dân sự là một lĩnh vực rộng và rất khó; chính vì vậy nhiều đương sự không hiểu hết đành ủy quyền cho người mình tin tưởng tham gia tố tụng trong vụ án, giá như Tòa sơ thẩm tạo điều kiện cho người được ông Toàn bà Lý ủy quyền tham gia tố tụng, biết nội dung kiện của nguyên đơn để nộp chứng cứ chứng minh thì chắc không đến nỗi hủy án kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Nguồn Vksdaklak.gov.vn