Gia Lai:Hệ lụy từ việc phát triển sắn ồ ạt

Những ngày gần đây, ở xã ĐăkSơMei, huyện Đắk Đoa (Gia Lai) sắn phơi trắng nhiều ngả đường, chất đống trước hiên nhà. Thời điểm này năm ngoái, làng nào cũng nhộn nhịp tiếng xe công nông, xe tải vào chở sắn nhưng bây giờ thì gần như vắng lặng.

images3

Đầu vụ giá sắn khô đạt mức 4.000 đồng, thế nhưng thời điểm này giá sắn đã giảm tới một nửa, chỉ còn khoảng 2.500 đồng. Xu hướng giảm giá vẫn còn, các doanh nghiệp, các cơ sở chế biến và cả tư thương chỉ dám thu mua cầm chừng. Điều này càng làm cho đời sống của người trồng sắn bi đát hơn.

Hai năm trước khi giá sắn lên cao, vì lợi nhuận trước mắt nên người dân đã đua nhau trồng ồ ạt loại cây này, chiếm phần lớn diện tích đất canh tác. Có hộ dân còn trồng trên cả các khoảnh rừng tự nhiên, rừng phòng hộ chặt phá trái phép. Toàn xã ĐăkSơMei có tổng diện tích gần 1.900 ha đất nông nghiệp thì diện tích sắn chiếm tới 900 ha. Đó là chưa kể một phần không nhỏ diện tích người dân xâm canh trong rừng.

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Gia Lai, vụ mùa năm 2011 – 2012, tổng diện tích sắn của tỉnh Gia Lai ước tính hơn 63.000 ha, vượt kế hoạch đề ra khoảng 10.000 ha; trong đó tập trung chủ yếu ở một số huyện như Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa, Mang Yang, Đắk Đoa… Việc người dân trồng sắn không theo quy hoạch đã và đang tạo ra nhiều bất ổn. Trong đó cũng cần phải nói rằng nhận thức của người dân chưa thật sự đúng đắn khi đua nhau phát triển ồ ạt loại cây trồng vốn mang nhiều bất ổn này, nhất là về giá.