Gia Lai: Lao đao vì vỡ nợ cà phê

Gom góp làm cà phê cả năm, người nông dân đem ký gửi ở những tụ điểm mua bán nông sản chờ lên giá. Đột nhiên, các cơ sở này tuyên bố vỡ nợ, người dân trắng tay một cách ngỡ ngàng. Vụ việc này xảy ra tại thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.

99_7_nha

Bỗng nhiên trắng tay

Hiện nay, rất nhiều hộ thuộc các tổ 3, 4, 5 thị trấn Chư Prông đang đứng ngồi không yên bởi hai cơ sở thu mua nông sản lớn trên địa bàn tuyên bố vỡ nợ là Bình Hằng của ông Nguyễn Văn Cường (trú tại 248 Hùng Vương, thị trấn Chư Prông) và Hùng Bằng của ông Nguyễn Văn Hùng (24 Phan Đình Phùng, thị trấn Chư Prông).

Sáng 10-4, chúng tôi có mặt tại một số hộ là nạn nhân của cơ sở Bình Hằng để tìm hiểu sự việc. Nhiều người dân tỏ ra vô cùng bức xúc trước nguy cơ mất trắng tài sản ký gửi. Ông Phạm Đình Bảng, một người dân bị cơ sở Bình Hằng nợ cà phê; cho biết: “Cơ sở Bình Hằng thu mua nông sản đã hơn hai năm. Trước khi tuyên bố vỡ nợ vẫn mua bán bình thường. Không hiểu sao chủ cơ sở tuyên bố vỡ nợ khiến ba tấn cà phê của tôi và con trai ký gửi có khả năng mất trắng”.

Trường hợp nặng nhất là hộ ông Hùng ở tổ 5 bị ông Cường nợ 14 tấn cà phê nhân. Với giá hiện nay khoảng hơn 45 triệu đồng/tấn, số tiền ông Hùng bị nợ lên đến hơn 600 triệu. Cùng chung cảnh ngộ với ông Bảng và ông Hùng còn có hơn chục hộ. Ngoài việc ký gửi cà phê, nhiều hộ còn cho chủ cơ sở vay hơn bốn tỷ đồng. Những ngày trước khi tuyên bố vỡ nợ, nhiều người đã tới nhà xiết hai chiếc ôtô của ông Cường. Tương

tự, nhiều người dân cũng đang ngậm đắng nuốt cay khi cơ sở Hùng Bằng của ông Hùng tuyên bố vỡ nợ.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Người dân ở đây cho biết, ông Cường và ông Hùng đều thừa nhận bể nợ (ông Cường tự nhận bể nợ chừng 10 tỷ đồng, còn ông Hùng bể 18 tỷ). Hiện cơ quan chức năng đang trong quá trình xác minh làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, theo người dân, số tiền hai chủ cơ sở này tuyên bố vỡ nợ chưa xác thực. Nguyên nhân là hai cơ sở không chỉ nhận ký gửi hàng nông sản mà còn huy động vốn số lượng lớn với lãi suất cao. Cứ một triệu đồng cho vay, người dân sẽ được trả đến 3.000 đồng/ngày. Lãi suất cao nên nhiều người đã gom tiền cho vay. Theo dư luận thì có người đã đưa cho hai cơ sở này vay cả chục tỷ đồng.

Chi cục Thi hành án huyện Chư Prông đã phong tỏa căn nhà cùng miếng đất diện tích 314m2 của ông Hùng để phục vụ công tác thi hành án. Trường hợp ông Cường thì UBND thị trấn Chư Prông đang tiến hành các biện pháp cần thiết để xử lý. Hiện ông Cường đang sang nhượng tài sản dưới sự giám sát của UBND thị trấn Chư Prông để lấy tiền trả nợ cho dân. Ông Võ Đình Vĩnh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Chư Prông cho biết: “Chúng tôi đã nắm được vụ việc của ông Cường, nhưng vẫn chưa có người dân nào nộp đơn lên thị trấn tố cáo. Người dân bị hai cơ sở này nợ tiền nên gửi đơn đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”. Cũng theo ông Vĩnh thì số tiền thu được từ việc chuyển nhượng tài sản của ông Cường sẽ được ưu tiên trả nợ cho người dân đã bán cà phê, hồ tiêu cho ông này mà chưa nhận được tiền.

Số tiền vỡ nợ rất lớn, nhưng tài sản của hai chủ cơ sở khi phát mãi cũng khó có thể trả hết. Trên địa bàn huyện Chư Prông trước đây đã xảy ra rất nhiều vụ vỡ nợ kiểu tương tự. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn không rút kinh nghiệm. Vụ này được xem là bài học để người dân cảnh giác khi đem nông sản, tiền “nạp” cho các cơ sở thu mua nông sản.

Nguồn Congan.com.vn