Người J’rai quan niệm những cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi chính là vật linh thiêng của Yàng, nơi lưu giữ linh hồn của những người đã khuất.
Bởi lẽ đó mà bà con làng Đúp, thuộc xã Hà Bầu (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) rất tự hào khi buôn làng mình gìn giữ được những cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Những gốc đa này nằm rải rác trong làng và ở cạnh khu nhà mồ của làng.
Hiện nay, ở làng Đúp có đến 10 gốc đa cổ thụ – nhiều nhất so với các buôn làng khác trong tỉnh. Cây nào cũng to và chắc, năm bảy người ôm không hết.
Không ai trong làng biết được nguồn gốc của những cây đa cổ thụ này, chỉ dựa vào đường kính và chiều cao của thân cây phát triển theo thời gian mà ước tính tuổi của cây.
Bà con trong làng coi đây là vật linh thiêng của Yàng (Trời) ban tặng để góp phần chăm lo cuộc sống cho dân. Còn cây thì còn gạo ăn, còn nước uống, mất cây coi như mất tất cả và buộc phải chuyển làng đi nơi khác.
Trưởng thôn K’sor Khúi nói rằng đây chính là những “vị thần” đã mang lại bao điều tốt đẹp cho dân làng nên bà con đều ra sức gìn giữ. Không những thế, những cây đa cổ thụ này còn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người J’rai.
Rất nhiều người tìm đến mua với giá cao nhưng làng kiên quyết không bán. Không mua được, họ lại xúi giục thanh niên tìm mọi cách làm cho cây chết để chặt hạ nhưng cũng chẳng ai dám làm.
Trong vùng còn có làng Hol (xã Hà Bầu) và làng Brel (xã Biển Hồ, thành phố Pleiku) cũng còn gìn giữ được cây đa cổ thụ nhưng không nhiều. Ở làng Brel còn lại 5 cây có đến cả chục người ôm.
Già làng H’Mrin chia sẻ, người J’rai quan niệm cây cổ thụ là nơi lưu giữ linh hồn của người đã khuất nên những gốc cây ấy thường nằm bên cạnh các khu nhà mồ. Mỗi tháng một lần, dân làng lại cùng nhau quây quần dưới những tán cây, cùng lấy nước ở giọt về uống rượu cần và ca hát để tưởng nhớ những người đã khuất và răn dạy cho con cháu gìn giữ truyền thống của ông cha.
Còn cụ K’sor Ang Lớt, trước đây là già làng Hol, nhớ lại cách đây chừng 20 năm có người đến hỏi mua các cây đa cổ thụ này nhưng làng không bán, họ ra giá đổi lấy 4 chiếc xe Dream đời đầu (khi đó giá trị mỗi chiếc xe tương đương với 7 cây vàng). Sau mấy ngày họp bàn, dân làng quyết định giữ lại cây với lý do rất đơn giản nhưng rất ý nghĩa và thiết thực là “xe đi mãi rồi cũng hư và cũng phải bỏ, còn giữ cây lại chính là giữ cuộc sống cho dân làng.