Giá hạt tiêu tiếp tục suy giảm trên khắp các thị trườngCác nhà xuất khẩu hạt tiêu đang đẩy mạnh chào giá loại có chất lượng thấp, chủ yếu là loại có dung trọng từ 500 Gr trở xuống, trong khi loại có chất lượng cao ít thấy được chào giá.
Kết quả giao dịch tuần vừa qua cho thấy, giá hạt tiêu kỳ hạn thế giới trên sàn NCDEX tại Kochi-Ấn Độ đã quay đầu sụt giảm sau khi lập nên kỷ lục. Tính chung cả tuần, kỳ hạn tháng 4 giảm 2.645 Rupi, tức giảm 6 %, xuống ở mức 41.465 Rupi/tạ, tương đương 8.102 USD/tấn và kỳ hạn tháng 5 giảm 2.705 Rupi, tức giảm 6,01%, xuống mức 42.300 Rupi/tạ, tương đương 8.266 USD/tấn, trong phiên chốt tuần đóng cửa sớm chiều Thứ Bảy 24/3, (1 USD = 51,1758 Rupi).
Giá giao ngay cho loại tiêu chọn đặc chủng MG1 chỉ giảm 436 Rupi, tức giảm 1,06 %, xuống mức 40.889 Rupi/tạ, tương đương 7.990 USD/tấn, mức giảm nhẹ hơn. Giá sụt giảm còn do các nhà đầu cơ bán ra khá mạnh sau khi đẩy giá tiêu Ấn Độ lên cao với những mốc kỷ lục lịch sử mới. Nhìn chung, giá tiêu tại Ấn Độ đang cao hơn giá tiêu các xuất xứ khác trên 1.000 USD/tấn.
Trong cùng thời gian, giá tiêu trên sàn SMX tại Singapore kỳ hạn tháng 4 giảm 67 USD, tức giảm 1,01 %, xuống mức 6.698 USD/tấn và kỳ hạn tháng 5 tăng 110 USD, tức tăng 1,64 %, lên 6.821 USD/tấn. Khoảng cách giá chênh lệch giữa 2 sàn tiêu kỳ hạn thế giới tuy đã được rút ngắn nhưng hiện vẫn còn hơn 1.400 USD/tấn, là mức chênh lệch rất lớn.
Các nhà phân tích thị trường tiêu thế giới đều cho rằng, mức giá nội địa tại Ấn Độ hiện nay là quá cao, là không thực, cần có sự điều chỉnh. Trong khi đó, các nhà buôn tiêu ở Karnataka, bang phía Nam Ấn Độ, tiếp tục nhập tiêu Việt Nam loại có dung trọng thấp về để bổ sung nguồn tiêu thụ trong nước đang thiếu hụt trầm trọng vì vụ mùa năm nay thất thu.
Thống kê của ngành Hải Quan năm 2011 cho thấy, Ấn Độ là quốc gia nằm trong top5 thị trường nhập khẩu hạt tiêu của nước ta, cùng với các thị trường Mỹ, Đức, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Trong đó, Ấn Độ cũng là nước sản xuất và xuất khẩu tiêu lớn của thế giới và giá tiêu xuất khẩu của Ấn Độ cũng rất cạnh tranh. Cho nên các nhà buôn tiêu của nước này thường để dành tiêu trong nước sản xuất được cho nhu cầu xuất khẩu với giá cao và nhập tiêu giá rẻ của Việt Nam về cho nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Tiêu đen Việt Nam xuất khẩu loại 500 Gr/l-FAQ chào giá 6.300-6.350 USD/tấn và loại 550 Gr/l-FAQ giá 6.650-6.700 USD/tấn (FOB), bình quân giảm 250 USD. Trong khi tiêu trắng loại DW 630 Gr/l chào giá 9.500-9.550 USD/tấn (FOB), giảm 350 USD.
Tiêu Ấn Độ loại đặc chủng MG1 xuất đi Châu Âu giá 8.550 USD/tấn và đi Mỹ giá 8.850 USD/tấn (C&F), giảm 100 USD.
Sáng hôm nay 26/3, giá tiêu đen xô tại Bà Rịa- Vũng Tàu giảm xuống còn 126.000 đồng/kg, tại Bình Phước còn 122.000 đồng/kg, tại Đak Lak-Đak Nông và Chư Sê, Gia Lai cũng còn giá 120.000 đồng/kg, bình quân giá nội địa giảm 3.000-5.000 đồng/kg trong vòng 1 tuần qua.
Theo thống kê sơ bộ của ngành Hải Quan, xuất khẩu nửa đầu tháng 3 đạt 8.363 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch 57,7 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến 15/3/2012 xuất khẩu được 20.374 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch 139,6 triệu USD, tuy chỉ tăng 21,85 % về lượng nhưng tăng mạnh đến 73,14 % về giá so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân xuất khẩu đạt 6.899 USD/tấn, đứng ở mức cao.