Nỗ lực tăng giá trong những ngày cuối năm đã không kéo dài được ngay trong ngày giao dịch đầu năm 2015: giá kỳ hạn robusta và thị trường nội địa cùng giảm sâu. Nhưng may, giá xuất khẩu dựa trên mức chênh lệch đang tăng dần.
Biểu đồ: Diễn biến giá kỳ hạn robusta Ice châu Âu trong tháng 12-2014 (tác giả cập nhật)
Đầu năm…xui xẻo
Ai cũng tưởng cà phê lên lại mức 39,5 triệu đồng/tấn trong những ngày cuối năm 2014, giá cà phê nội địa tại các tỉnh Tây Nguyên chắc lấy đà tăng tiếp, nào ngờ thị trường đổ nhào ngay ngày giao dịch đầu tiên năm mới 2015 trên sàn cà phê Ice châu Âu.
Đóng cửa phiên cuối tuần và cũng là ngày giao dịch đầu năm 2015, giá kỳ hạn robusta chốt mức 1.864 đô la/tấn, giảm 52 đô la/tấn trong ngày và 39 đô la/tấn so với tuần trước. Đây cũng là mức thấp nhất tính từ phiên giao dịch cuối tháng 11-2014 (xin xem biểu đồ). Giá kỳ hạn arabica Ice New York cũng rớt 7,55 xu/cân Anh (cts/lb) sau một tuần, tương đương với 166 đô la/tấn.
Giao dịch trên thị trường nội địa vẫn nhấp nhô theo giá kỳ hạn, cận 40 triệu đồng/tấn, một ít cà phê được bán ra thị trường. Sáng nay, thứ Bảy 3-1-2014, giá cà phê nguyên liệu tại các vùng nguyên liệu quanh mức 38-38,5 triệu đồng/tấn, không khí khá trầm lắng vì người bán chê thấp.
Còn một chút này…
Như vậy, giá cà phê nguyên liệu đang ở các mức thấp nhất tính từ đầu vụ đến nay nếu lấy đỉnh là 42 triệu đồng/tấn lập vào tháng 10-2014. Giá niêm yết thấp, nông dân không bán ra, một số công ty đã nâng giá chào xuất khẩu loại 2,5% đen bể lên bằng giá niêm yết tại sàn kỳ hạn. Tuy nhiên, đại diện của một nhà nhập khẩu có trụ sở ở Thụy Sĩ nói rằng bà chỉ mua trong trường hợp cần kíp cho những lô hàng nhỏ với mức trừ 20 đô la/tấn FOB (giao hàng qua lan can tàu) so với giá kỳ hạn.
Đấy cũng là mức giao dịch xuất khẩu đã thực hiện cao nhất tính từ đầu niên vụ đến nay. Trước đây, một số nhà xuất khẩu đã chào bán vội ở mức trừ 80-100 đô la/tấn nay vẫn chưa giao hàng vì “không ai bán rẻ cho mà mua và chết chắc”, tổng giám đốc một công ty xuất khẩu đóng tại TPHCM cho biết.
Phải chăng đây là yếu tố tạo nên thành công trong cuộc đối đầu cân não giữ giá xuất khẩu cà phê nước ta cao hơn so với sàn kỳ hạn Ice châu Âu trong mấy năm qua?
Điểm nhấn cà phê Việt Nam năm 2014
Năm 2014 đã khép lại. Xuất khẩu cà phê của nước ta 12 tháng qua đạt 1,69 triệu tấn hay 28,17 triệu bao (bao=60 kg), tăng 29,7% so với năm 2013 theo ước tính mới nhất của Tổng cục Thống kê.
Bộ Nông nghiệp & PTNT báo rằng giá xuất khẩu cà phê bình quân trong 11 tháng đầu 2014 đạt 2.096 đô la/tấn, giảm 0,86% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng cao hơn bình quân giá sàn kỳ hạn robusta Ice châu Âu đến 92 đô la/tấn. Thống kê của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho biết giá bình quân trong kỳ của sàn này chỉ đạt 2.004 đô la/tấn.
Có thể nói rằng đây là một điều lạ và đáng tự hào. Vì trên thị trường hàng hóa rất ít trường hợp giá nguyên liệu của nước sản xuất cao hơn giá sàn kỳ hạn trong một thời kỳ dài cả năm, đó là chưa nói đã ba bốn năm nay, giá xuất khẩu bình quân cà phê robusta nước ta đều cao hơn sàn kỳ hạn. Ngay như trường hợp Brazil vừa qua, giá xuất khẩu cà phê arabica phải chịu cảnh “trừ lùi” so với giá sàn Ice New York dù có tin bị hạn hán và mất mùa, có thể ảnh hưởng đến cán cân cung-cầu trên thế giới.
Là một nước sản xuất và xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới, kinh doanh cà phê nước ta hầu như liên thông chặt chẽ với sàn kỳ hạn Ice châu Âu, mọi con mắt và lỗ tai đều nhắm vào, nên từ lâu đã trở thành trung tâm săn tin và tung tin có lợi cho người mua. Ý nghĩa lớn nhất của giá xuất khẩu bình quân cao hơn giá niêm yết sàn kỳ hạn là ở chỗ người bán không dễ bị lung lạc với những tin đồn bất lợi cho mình để buộc người mua phải trả đúng giá theo yêu cầu.
Thất lợi về địa lý như ở xa kho hàng tại châu Âu, Bắc Mỹ so với Brazil, chi phí cao hơn vì các nhà xuất khẩu nước ta thường nhường quyền thuê tàu chuyên chở cho bên người bán, việc giữ được giá cao hơn giá sàn kỳ hạn không tạo ngạc nhiên và đáng thán phục là gì?
Ngoài ra, giá cao hơn giá “thế giới” còn nói lên rằng đẳng cấp chất lượng hàng cà phê robusta của Việt Nam bấy lâu nay là hiển nhiên, nếu không muốn nói cao hơn cả yêu cầu chất lượng theo qui định của của hợp đồng kỳ hạn.
Chất lượng theo chuẩn của hợp đồng kỳ hạn robusta Ice châu Âu thường khó hơn loại xuất khẩu theo thói quen thương mại của hàng cà phê nước ta. Mức giá loại cà phê thượng hạng theo qui định của sàn này cũng chỉ được trả cao nhất là cộng 30 đô la/tấn hàng giao tại các kho thuộc sàn nằm rải rác tại các cảng châu Âu và Bắc Mỹ.
Nếu cộng thêm các chi phí chuyên chở và làm hàng, giá xuất khẩu bình quân thực tế của nước ta năm qua cao hơn nhiều, phải cộng tới chừng 200 đô la/tấn so với giá niêm yết của sàn kỳ hạn.
Bài viết liên quan: