Sáng nay (24/9), giá cà phê nhân xô Đắk Lắk, nối tiếp phiên giảm hôm qua, đã giảm thêm 100.000 đồng/tấn xuống 38,300 triệu đồng/tấn.
Giá cà phê robusta giao tại cảng TP.HCM giá FOB hôm nay giảm 7 USD từ 1.906 USD/tấn cuối tuần trước xuống 1.899 USD/tấn.
Giá cà phê trên thị trường Liffe London và Ice New York diễn biến trái chiều.
Thị trường London: Trên sàn Liffe, nối tiếp phiên giảm hôm qua, giá cà phê Robusta các kỳ hạn hôm nay giảm tiếp 7-8 USD/tấn. Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 11 giá giảm 7 USD/tấn, tương đương -0,36%, xuống 1.929 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 1/2015 giá giảm 8 USD/tấn, tương đương -0,41%, xuống 1.943 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 3/2015 giá giảm 7 USD xuống 1.957 USD/tấn, và kỳ hạn giao tháng 5/2015 giá giảm 7 USD xuống 1,971 USD/tấn.
Thị trường New York: Trái ngược với diễn biến trên sàn Liffe London, trên sàn ICE, giá cà phê Arabica các kỳ hạn đã có phiên thứ 2 tăng liên tiếp trong tuần này khi tăng 1,5-1,55 cent/pound. Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 3/2015 giá tăng 1,5 cent/pound lên 185,05 cent/pound, kỳ hạn giao tháng 5/2015 giá tăng 1,55 cent/pound lên 187,55 cent/pound, và kỳ hạn giao tháng 7/2015 giá tăng 1,55 cent/pound lên 189,1 cent/pound.
Theo Báo cáo Cam kết Thương nhân mới nhất, trong tuần kết thúc vào 16/9, giới đầu cơ phi thương mại đã giảm 12,62% vị thế mua ròng cà phê robusta trên sàn London xuống 27.111 lô, tương đương 4.518.500 bao.
Tổ chức Thời tiết Hàng hóa Toàn cầu đã xác nhận có mưa rải rác ở nhiều vùng trồng cà phê tại miền nam và miền trung Brazil, kích thích cây cà phê ra hoa. Dự báo sẽ tiếp tục có mưa trong nửa cuối tuần này và có thể kéo dài sang tuần tới.
Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda cho biết, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 8/2014 đạt 268.033 bao, giảm 50.305 (-15,8%) so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu năm cà phê hiện tại (tháng 10/2013-tháng 9/2014) đạt 3.295.807 bao, giảm 62.521 bao (-1,86%) so với cùng kỳ năm trước.
Cà phê xuất khẩu Uganda có tỷ lệ arabica/robusta là 22/78, giúp nước này tiếp tục là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu châu Phi về khối lượng. Tuy nhiên, về khối lượng Uganda đứng thứ 2 sau Ethiopia do cà phê xuất khẩu của Ethiopia là arabica có giá trị cao hơn.
Vụ thu hoạch tới của Colombia sẽ bắt đầu trong vài tuần tới, tiếp đó là vụ thu hoạch ở Mexico và Trung Mỹ. Do vậy, nhiều người đang mong đợi tham dự Hội chợ Chuyên ngành Cà phê châu Mỹ Latin diễn ra tại Medellin Colombia từ 2-5/10 tới đây. Khách tham dự sẽ có nhiều thương nhân từ các thị trường phát triển Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản khi họ đang tập trung mua cà phê arabica chế biến ướt từ châu Mỹ Latinh cho năm tới.
Trữ lượng lưu kho cà phê arabica chế biến ướt có chứng chỉ trên sàn New York hôm 22/9 tăng 2.475 bao lên 2.394.003 bao, trong khi số bao chờ đánh giá, phân hạng giảm 1,925 bao xuống 12.640 bao.