Cây cà phê đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở Cư M’gar (Đắk Lắk). Nhờ cây cà phê mà nhiều nông dân trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, mấy năm gần đây giá cà phê giảm mạnh, người trồng thua lỗ, lâm cảnh nợ nần chồng chất, không ít gia đình đã chặt bỏ hoặc buông xuôi việc chăm sóc, để mặc vườn cây héo rũ.
Vườn rau quả trên đất trồng cà phê của gia đình ông Quý
Hiện tại, nhiều vườn cà phê trên địa bàn xã Quảng Tiến đã bị bỏ bê việc tưới nước, bón phân. Cây héo khô. Có vườn, cây cà phê đã bị chặt cành chỉ còn trơ lại thân, gốc. Một số vườn cà phê đã bị nhổ cả thân và gốc lên chỉ còn những đám đất trống.
Ông Đào Ngọc Quý – một nông dân có thâm niên trồng cà phê ở xã Quảng Tiến buồn rầu: Gắn bó với cây cà phê gần 17 năm, chưa bao giờ thấy giá rớt thảm như hiện nay. Ông Quý có 2 ha cà phê. Chưa giàu sang nhưng có của ăn của để. Ba năm trở lại đây, vì ôm lấy vườn cà phê mà kinh tế sụt dần, rồi lâm cảnh nợ nần chồng chất.
Ông Quý cho biết, vụ vừa rồi thu được 4 tấn cà phê nhân, chỉ bán được ngót nghét 130 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ bù đắp đầu tư phân bón, tưới tắm, thu hái… “Vụ này tôi không có tiền đầu tư chăm sóc lại, cây nào năng suất kém tôi chặt bỏ luôn để lấy đất trồng rau”, ông Quý nói. Hai ha cà phê của gia đình ông Quý giờ chỉ còn 1. Diện tích còn lại đã chuyển sang trồng mít, bơ và các loại rau xanh. Vợ ông không còn giúp chồng chăm sóc cây cà phê, mà ngày ngày cắt rau ra chợ bán lấy tiền trang trải sinh hoạt.
Một góc vườn tan hoang vì bị bỏ mặc
Gia đình ông Đặng Ngọc Thơ, ở xã Quảng Tiến cũng không mấy sáng sủa hơn. Ông Thơ trồng 1,3 ha cà phê đã 15 năm nay. Năm vừa rồi thu hơn 2 tấn, bán được 60 triệu đồng. Biết giá thấp nhưng không thể đợi lên được, vì phải bán để trả các khoản chi phí đầu tư, chăm sóc. Ông Thơ biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn tái canh cho người trồng cà phê. Nguồn vốn này lãi suất ưu đãi, lại kéo dài nhiều năm nhưng tiếp cận được nó rất khó. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình đã thế chấp ngân hàng, muốn vay cũng bất lực. Gia đình ông Thơ không có nguồn thu nhập khác nên đành phá hơn một nửa diện tích để chuyển sang trồng mít, sầu riêng và chanh dây.
Quảng Tiến là xã có diện tích cà phê lớn nhất trên địa bàn huyện Cư Mgar, với 1.750 ha. Trong đó, 700 ha đã già cỗi, năng suất thấp. Chủ nhân của những vườn cây này, năm được giá thì còn cầm cự được nhưng 3 năm nay giá tụt, ai cũng thua lỗ nặng nề. Hiện nay có tới 90% người trồng cà phê trên địa bàn đã “cắm” sổ đỏ ở ngân hàng. Do đó, việc vay được nguồn vốn cho tái canh vườn cà phê đang là chuyện ngoài tầm với.
Chủ tịch UBND huyện Cư Mgar Trương Văn Chỉ cho biết: Toàn huyện có hơn 37.000 ha cà phê kinh doanh. Dù giá cà phê có biến động thì vẫn quyết tâm vận động người dân giữ ổn định diện tích ở mức 30.000 ha. Nhưng lấy gì đảm bảo cho việc giữ được diện tích vườn cây, đó là chưa nói đến giải quyết nguồn vốn để nông dân thực hiện việc tái canh bảo đảm chất lượng, năng suất? Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ khi những vườn cà phê héo rũ. Chủ nhân của vườn đang lâm vào cảnh: Bỏ thì thương, vương thì… nợ.