Gánh nặng vì voi ở Buôn Đôn

Từ khi người Tây Nguyên có nghề săn và thuần dưỡng voi, con voi luôn là một biểu tượng tự hào, quyền lực và giàu có, nhưng nay câu chuyện về voi đã khác xưa…

Những người con to xác và dễ thương

Đến khu du lịch sinh thái Buôn Đôn có lẽ đặc sản cưỡi voi là được du khách háo hức nhất. Những ngày lễ đông khách voi làm quần quật, còn đa số những ngày đi trực vắng khách, thì voi chỉ biết đập ruồi còn chủ thì ngáp mong có khách để kiếm miếng cho voi ăn.

Những chú voi Buôn Đôn cõng khách du lịch hàng ngày. Ảnh: G.T

Anh Y Nha (37 tuổi) chủ của chú voi Khâm Mon cho biết “Khâm Mon có nghĩa là voi vàng, đối với người đồng bào Ê Đê chúng tôi, luôn coi voi là những thành viên trong gia đình, vì những chú voi đều được bắt từ rừng về lúc rất nhỏ, bị tách riêng ra và bỏ đói chỉ cho uống nước, sau mấy ngày voi mệt không còn đủ sức phá hay tấn công người được nữa thì chủ voi mới đem thức ăn tới, cho voi ăn. Rồi vuốt ve chăm sóc cho voi đi tắm. Chỉ trong vòng từ 3 đến 6 tháng là những chú voi con sẽ nghĩ những người chủ như mẹ chúng và nhiều con voi nếu không có chủ thì nó như đứa trẻ con đi tìm mẹ bao giờ tìm thấy mới đi ngủ, hay lúc sấm chớp mưa gió, con voi cũng chạy đi tìm chủ.

Anh Y Nha còn cho biết thêm riêng voi Khâm Mon thì tối nào anh cũng phải ra chuồng ngủ cùng, nếu không có anh, Khâm Mon sẽ rống lên, làm cho cả xóm mất ngủ theo, nhưng anh Y Nha còn phải ngủ với chú voi nhà mình vì trên người Khâm Mon đang có một báu vật đó là chiếc đuôi to với hàng trăm sợi lông quý.

Anh Nha cho biết theo quan niệm của nhiều người, thì lông đuôi voi là một vật thiêng kỵ gió, nếu để trong phòng ngủ thì người đó sẽ có nhiều sức khỏe, vợ chồng hạnh phúc, đeo làm nhẫn hay bỏ vào trong ví một chiếc lông đuôi thì người đó sẽ có nhiều tiền nhiều lộc. Một chiếc lông đuôi voi giờ có giá khoảng 300 – 500 nghìn tùy loại, chính vì vậy anh Y Nha phải ngủ luôn ở chuồng cùng với Khâm Mon để bảo vệ chiếc đuôi khỏi kẻ xấu chặt trộm. Vì chẳng ở đâu xa ngay trong Buôn Đôn này, kẻ xấu đã cắt trộm đuôi của không ít chú voi nhằm mục đích lấy lông để bán, rồi như trường hợp voi B Lang của nhà Y Lết đã bị kẻ trộm chặt mất cả khúc đuôi để lấy lông.

Cũng mới 15 tuổi Đa Lin đã có vóc dáng của một người đàn ông Tây Nguyên vạm vỡ nhưng đã biết chỉ huy voi P Lọ (40 tuổi), Đa Lin cho biết ngay từ bé đã gắn bó với chú voi của nhà mình rồi, bây giờ Đa Lin đã dẫn được voi đón khách, hết giờ biết đi cột voi và chỉ huy hầu hết những động tác khó như bắt voi quỳ, để trèo lên, thúc voi đi nhanh đi chậm, vào chỗ đón khách hay đứng yên.

Gánh nặng nghiệp voi

Anh Y Nha – chủ của voi Khâm Mon. Ảnh: G.T

Anh Y Nha – chủ nhân của voi vàng Khâm Mon cùng 6 quản tượng khác ngồi đợi việc tại nhà chờ của khu du lịch Buôn Đôn, thỉnh thoảng lại phải khuân những cây chuối to như bắp đùi ra cho những chú voi ăn để có sức cõng khách, anh Nha cho biết: “Với những chú voi trưởng thành như hiện nay, mỗi ngày ăn hết khoảng 6 tạ thức ăn, gồm cỏ cây chuối lá tre và mía, để có lượng thức ăn khổng lồ khoảng gần 20 tấn mỗi tháng, ngoài thức ăn chăn thả ra thì mỗi tháng người chủ muốn đảm bảo cho sức khỏe của voi nhà mình thì phải chi khoảng 10 triệu tiền mua thức ăn. Cứ bình quân 15.000 một cây chuối, hay 30.000 một bó cỏ voi thì không phải lúc nào cũng kiếm được tiền để cho voi ăn.

Theo anh Nha hiện nay Buôn Đôn đang có 27 con voi nhà, tất cả đều tham gia làm du lịch, hiện nay mỗi vé cưỡi voi công ty thu 200.000 thì quản tượng và voi hưởng 80.000, nếu là ngày lễ đông khách thì thu nhập cũng ổn, còn những ngày vắng khách thì phải bù tiền ăn cho voi, vì voi làm việc nặng nên ăn khỏe. Người Tây Nguyên chúng tôi yêu voi, có khi phải nhịn cả ăn để dành phần cho voi của mình.

Anh Nha cho biết, hiện nay những con voi nhà không còn khả năng sống sót khi quay lại rừng vì khi quay lại chúng sẽ bị những con voi rừng tấn công và giết chết, mới cách đây ít bữa đàn voi rừng đã về tới tận đầu buôn đánh bị thương rách tai 2 con voi nhà nên nhiều người vì sợ voi của mình bị giết nên không dám thả vào rừng thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn. Mà rẫy quanh nhà giờ dùng để làm cà phê và canh tác hết rồi, muốn tìm nguồn thức ăn cho voi giờ phải mua hoặc đi rất xa mới kiếm được.

Nhưng người Tây Nguyên cũng không dám bỏ mặc voi, vì họ coi voi như những thành viên trong gia đình, voi ốm thì nó tự tìm thuốc để chữa, nhưng voi già yếu chết, họ phải làm ma, xây mồ xây mả như con người giờ cũng tốn kém lắm, nếu nhà ai không đối xử tốt với voi, thì nhà đó con cháu sẽ gặp điều xui xẻo.

Từ năm 1981 khi Nhà nước cấm không cho đồng bào Buôn Đôn được săn bắt voi rừng về thuần dưỡng nữa, hiện nay đàn voi nhà của Buôn Đôn giảm đi theo thời gian có lúc tới hàng trăm voi thì giờ còn có 27 voi nhà khỏe mạnh, mà voi nhà hầu như không sinh sản được, vì phải làm việc quá nặng. Theo anh Khâm nếu cứ đà này chỉ hơn chục năm nữa là thương hiệu du lịch Buôn Đôn sẽ vắng bóng voi nhà cùng đồng hành, vì voi sẽ chết đi theo năm tháng.

Hiện tại muốn duy trì đàn voi nhà chỉ còn cách để những voi cái trong độ tuổi sinh sản được nghỉ ngơi, bồi bổ sức khỏe, trong vài năm voi sẽ lại bắt đầu sinh đẻ được. Điều này người Buôn Đôn ngày xưa cũng đã chăn được voi đẻ, nhưng từ ngày không có rừng để thả voi nhà, và voi phải đi làm để kiếm ăn cho chính chúng thì chúng cũng không thể đẻ được.

Voi vốn là biểu tượng của sức mạnh, biểu tượng của lòng đam mê tình yêu của người Tây Nguyên, đứng trước những thay đổi của xã hội thì chúng chỉ còn biết cặm cụi chở khách hàng ngày, thỉnh thoảng nổi giận thì rống lên những tiếng hú khắc khoải, bởi voi đang ngày làm gánh nặng cho chính nó và những người chủ của mình trong những ngày tháng trước mắt.