Dưới chân núi Chư Yang Sin

50 năm sau ngày giải phóng, tiếp nối truyền thống hào hùng của vùng căn cứ cách mạng H9 năm xưa, chính quyền và nhân dân huyện Krông Bông (Đắk Lắk) lại cùng nhau đoàn kết một lòng xây dựng quê hương giàu mạnh.

duoi-chan-2-krongbong

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước người dân vùng xa nơi đây
đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Chư Yang Sin không chỉ là đỉnh núi cao nhất ở Đắk Lắk và của cả hệ thống núi cực Nam Trung Bộ nơi quanh năm mây mù bao phủ. Chư Yang Sin còn được biết đến như một địa danh nơi ghi dấu những chiến công của quân và dân các dân tộc Tây Nguyên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. 50 năm sau ngày giải phóng, tiếp nối truyền thống hào hùng của vùng căn cứ cách mạng H9 năm xưa, chính quyền và nhân dân huyện Krông Bông (Đắk Lắk) lại cùng nhau đoàn kết một lòng xây dựng quê hương giàu mạnh.

Trở lại xã Cư Pui (huyện Krông Bông), chúng tôi tìm đến nhà già Y Jăm H’long ở buôn Khanh, một trong những chiến sĩ cách mạng kiên trung, chúng tôi như được hòa mình trong những câu chuyện của già về một thời đạn lửa vinh hùng. Tuy đã trải qua hơn 80 mùa rẫy nhưng trông già vẫn còn minh mẫn, đôi mắt vẫn rất tinh anh.

Nói về cuộc sống hôm nay, già Y Jăm bảo được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng đường giao thông, trạm xá, trường học khang trang, buôn làng ai cũng có điện thắp sáng, trẻ em vui bước đến trường, đời sống kinh tế của người dân ngày càng “thay da đổi thịt” làm già vui cái bụng lắm.

Không chỉ các công trình điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang mà người dân nơi đây còn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh từ sự quan tâm đầu tư ủa Đảng và Nhà nước. Bà H’Nguôn Niê, người dân buôn Khanh chia sẻ, tuy ở vùng sâu, vùng xa nhưng nhà ai cũng được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh do Nhà nước đầu tư. Có nước sạch bà con rất vui vì đảm bảo được sức khỏe không còn bị các bệnh tiêu chảy, bệnh ngoài da…

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết, toàn xã Cư Pui hiện có tới 98% người đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như vào năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 50% thì nay giảm chỉ còn 692 hộ (chiếm 25,9%); thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 10 triệu đồng/năm. Văn hóa, y tế, giáo dục cũng có nhiều chuyển biến tích cực, các hủ tục, tập quán mê tín dị đoan dần được loại bỏ, đồng bào các dân tộc trên địa bàn sống đoàn kết, tận tình giúp đỡ lẫn nhau.

Ông Bạch Văn Mạnh, Bí thư Huyện ủy Krông Bông chia sẻ, từ khi thành lập huyện (tháng 9/1981), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Krông Bông luôn sát cánh cùng nhau vượt khó, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ chỗ thiếu lương thực triền miên phải nhờ trên chi viện, đến nay kinh tế – xã hội của huyện đã có bước phát triển khá.

Sản xuất hàng hóa phát triển khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đến cuối năm 2014 còn 18,94%. Kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, chợ, nước sinh hoạt, thủy lợi và các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, trụ sở cơ quan làm việc được đầu tư xây dựng khang trang. Tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch có bước phát triển.

Các chính sách an sinh xã hội: giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ngày càng đạt hiệu quả. Lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa – nghệ thuật, thể dục – thể thao, thông tin liên lạc, truyền thanh – truyền hình không ngừng phát triển. Tuy nhiên so với các địa phương khác trên toàn tỉnh thì Krông Bông vẫn còn là huyện nghèo. Để tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội, ngoài nỗ lực của địa phương, huyện mong muốn các cấp các ngành từ Trung ương đến tỉnh quan tâm hỗ trợ để địa phương ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Nguồn Daidoanket.vn