DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU CÀPHÊ Ở TÂY NGUYÊN: Nguy cơ vỡ nợ hàng loạt

Càphê chưa rớt giá như các loại nông sản khác, song nhiều DN xuất khẩu ở Tây Nguyên đang lao đao, thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng. Có “đại gia” xác định dù có bán hết tài sản cũng không đủ trả nợ vay. Đáng lo ngại là trong bối cảnh này, các DN FDI vẫn không ngừng lớn mạnh.

Cafe69jpg-090325

Bán hết tài sản, Inexim Đắc Lắc mới có thể trả được nợ.

Lỗ nặng

Cty CP đầu tư và xuất – nhập khẩu càphê Tây Nguyên (Vinacafe Buon Ma Thuot) hiện đang nợ quá hạn khoảng 1.600 tỉ đồng. Cty này cũng đang dính vào một vụ kiện tranh chấp hơn 18.000 tấn càphê mà nếu thua, sẽ phải mất thêm hàng trăm tỉ đồng. Ngoài ra, ngày 23.9.2011, Tổng cục Hải quan đã ra quyết định chấm dứt hoạt động tổng kho ngoại quan của Vinacafe Buon Ma Thuot tại KCN Hòa Phú – TP.Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc – vì quá 6 tháng không đưa vào hoạt động. Đây là tổng kho ngoại quan hiện đại nhất Tây Nguyên. Cũng nằm trong top đầu các DN xuất khẩu càphê, Cty CP đầu tư – xuất – nhập khẩu Đắc Lắc (Inexim Đắc Lắc) đã lỗ lũy kế 80,5 tỉ đồng, nợ phải trả lên tới 365 tỉ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ còn 3,6 tỉ đồng. Một “đại gia” khác là Cty TNHH Trúc Tâm – thị xã Buôn Hồ, Đắc Lắc – cũng đã ngừng hoạt động từ năm 2011, giám đốc trốn ra nước ngoài, để lại khoản nợ hàng chục tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Hải – Trưởng phòng Kiểm tra, Cục Thuế Đắc Lắc – xác nhận trong năm 2011 và quý I/2012, các DN này không còn phát sinh thuế TNDN. Còn tại Lâm Đồng, Cty xuất – nhập khẩu càphê Đà Lạt thuộc TCty càphê VN (Vinacafe Dalat) cũng đã được Thanh tra Bộ NNPTNT xác định thua lỗ 99 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 60 tỉ đồng. Hiện Vinacafe Dalat phải gánh thêm khoản vay 132 tỉ đồng – gốc và lãi.

Bán hết tài sản là hết nợ?

Trong các DN nợ nần nói trên, Vinacafe Buon Ma Thuot từng là Anh hùng Lao động, Vinacafe Dalat là đơn vị mạnh của TCty Càphê VN, Inexim Đắc Lắc là DN đầu tiên của VN tham gia thị trường càphê kỳ hạn với doanh số hơn 900 tỉ đồng/năm. Còn Cty TNHH Trúc Tâm có cúp vàng “Chất lượng Việt Nam”…; song với những khoản nợ khổng lồ, sự nghiệp của các DN này coi như… chấm hết. Riêng Inexim Đắc Lắc, hiện số nợ đã chiếm 99% tổng giá trị tài sản, còn nếu so với nguồn vốn chủ sở hữu thì nợ lớn hơn gấp 100 lần. Do vậy, nếu bán hết tài sản tại 3 chi nhánh, 2 xí nghiệp, 4 Cty con thì may ra mới hết nợ. Còn Vinacafe Buon Ma Thuot thì cho rằng, để trả được khoản nợ 1.600 tỉ đồng, nhiều khả năng phải bán hết tài sản sau hàng chục năm trời năm tích cóp.

Các DN này đều cho rằng lỗ là do lãi suất quá cao, sự cạnh tranh của các đối thủ FDI… Tuy nhiên, theo nhận định của giới kinh doanh càphê tại Đắc Lắc, đây có thể là hậu quả của các hợp đồng tương lai – giao hàng sau và chấp nhận trừ lùi – từ những năm trước. Hiện các DN xuất khẩu càphê ở VN không còn lựa chọn phương thức này, ngay cả DN FDI cũng chỉ ký hợp đồng bán càphê một khi đã gom đủ nguồn hàng.

Nguồn Đặng Trung Kiên