Sản lượng cà phê năm 2013 dự kiến đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm khoảng 30% so với niên vụ trước. Mặc dù, đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 1,1 triệu tấn, nhưng thời gian qua giá cà phê liên tục giảm, hiện chỉ còn 39.000 đồng/kg khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê thua lỗ. Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) xung quan vấn đề này.
PV: Thưa ông! Tình trạng cà phê không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu đang có xu hướng rớt giá nhanh, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu có nguy cơ thua lỗ. Theo đánh giá của ông thì đâu là nguyên nhân?
Ông Đỗ Hà Nam: Một trong những nguyên nhân chính là do các nhà kinh tế nước ngoài đã đưa ra thông tin, trong những năm tới đây là năm đại được mùa cà phê, trong đó có Brazil và Việt Nam, nhưng trên thực tế thì Việt Nam không phải như vậy.
Việc thông tin trên thế giới đưa ra đã tạo nên sự bất lợi, tức là sản lượng tăng cao thì giá phải đi xuống, cho nên thị trường hai sàn London và New York có tình trạng các nhà đầu cơ tài chính tạo ra thị trường đi xuống, tạo cho thị trường hỗn loạn. Mặc dù các nước đang cố gắng hạn chế bán ra, nhưng áp lực trên sàn vẫn tiếp tục. Trong khi thị trường rớt giá mạnh, nếu các nước đồng lòng không bán hàng ra, không có hàng giao thì may ra giá cà phê trên thị trường mới đứng lại được.
PV: Xin ông cho biết, đến thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong nước thực hiện kế hoạch xuất khẩu như tế nào?
Ông Đỗ Hà Nam: Theo nhận định của chúng tôi, năm nay cà phê Việt Nam mất mùa. Sản lượng cà phê đạt khoảng 1, 2 triệu tấn đến 1,3 triệu tấn, nhưng đến thời điểm này các doanh nghiệp đã giao hàng khoảng 1,1 triệu tấn.
Với 200.000 tấn còn lại nếu nằm trong dân là chính thì rủi ro sẽ đỡ hơn, nhưng nằm trong doanh nghiệp thì cũng là số tiền lớn, đây cũng là rủi ro nếu trong thời gian tới không bán được hoặc giá tiếp tục xuống.
Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay làm xuất khẩu cà phê không nhiều. Tuy nhiên, doanh nghiệp ít nhiều cũng gặp rủi ro, nhất là tình trạng giá cà phê ngày một đi xuống như hiện nay. Thường doanh nghiệp có một lượng hàng mua vào để xuất khẩu, nhưng bán ra không được thì tâm lý phải cố gắng chờ hoặc bán trừ lùi hoặc giao hàng chưa báo giá. Một số nữa là người nông dân hay một số người không hoàn toàn kinh doanh cà phê cũng bỏ tiền gom cà phê thì lượng cà phê tồn kho hiện nay không nhỏ.
Đối với người nông dân thì lượng tồn kho là do họ sản xuất ra chưa quyết định giá bán nên so với chi phí sản xuất thì cảm giác thiệt hại ít hơn, nhưng bây giờ cần bán ra không có doanh nghiệp nào mua.
Hiện nay, người dân rất cần gửi hàng vào các doanh nghiệp mà các doanh nghiệp có thể hỗ trợ cho nông dân vay vốn. Nhưng hình thức này các ngân hàng thương mại chưa ủng hộ, còn các doanh nghiệp chỉ ủng hộ được thời gian ngắn, nên bắt buộc nông dân phải bán, nếu doanh nghiệp mua tạm trữ trong điều kiện giá xuống như hiện này thì doanh nghiệp chồng chất thêm khó khăn.
PV: Để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân khi giá cà phê trên thị trường đang xuống thấp, Hiệp hội cà phê đã có giải pháp gì?
Ông Đỗ Hà Nam: Với vai trò của Hiệp hội, trong lúc này cũng chưa đưa ra được biện pháp nào để có thể thích ứng kịp thời nhất cho người nông dân. Tuy nhiên, Hiệp hội mong muốn các doanh nghiệp phải bình tĩnh, nếu chúng ta hoảng hốt đẩy hàng vào thì có thể rủi ro còn tăng lên.
Theo quan điểm cá nhân tôi, trong kinh doanh với khách nước ngoài thì hạn chế bán trừ lùi và bán ra. Chúng ta mua đâu bán đó là phương thức tốt nhất, để ngăn chặn rủi ro cho doanh nghiệp, giảm bớt áp lực lên sàn London và New York, như vậy các nhà đầu cơ khó lợi dụng ép giá, dẫn đến thua lỗ.
Người nông dân thấy cần thiết thì bán còn không nên bán ồ ạt sẽ làm cho thị trường sụp đổ nhanh hơn. Nếu thị trường không có hàng hóa đẩy qua sàn thì chắc chắn thị trường có cơ hội đứng lại. Với tình hình hiện nay, thì cũng giống như một số ngành hàng chiến lược khác thì việc tạm trữ để hỗ trợ hạn chế việc bán ra là rất cần thiết.
Nếu chúng ta không có biện pháp cứu, các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn, bởi hiện nay các ngân hàng ngại cho doanh nghiệp cà phê vay vốn. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài, không biết ngành cà phê sẽ đi về đâu./.
PV: Xin cảm ơn ông!