Doanh nghiệp vận tải hoạt động yếu kém, lập lờ lách luật!

Những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN), HTX vận tải trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phương tiện, đổi mới chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân, tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, hoạt động yếu kém, lợi dụng kẽ hở tìm cách lách luật!

dak-lak-doanh-nghiep-van-tai-hoat-dong-yeu-kem-lap-lo-lach-luat

Ảnh minh họa

Đắk Lắk hiện có 52 DN kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách, trong đó có 48 DN vận tải hành khách, hoạt động trên 211 tuyến liên tỉnh, 10 tuyến nội tỉnh. Qua tìm hiểu thực tế, đa số HTX vận tải hoạt động theo mô hình dịch vụ hỗ trợ, còn phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chủ yếu khoán trắng cho xã viên. HTX cung cấp cho xã viên những khâu dịch vụ quan trọng như đăng ký tuyến, bến bãi, thực hiện các nghĩa vụ thuế và hằng tháng thu một khoản tiền làm dịch vụ trên đầu phương tiện đó mang thương hiệu của mình. Mới đây, cơ quan chức năng kiểm tra 9 đơn vị, chỉ có 2 đơn vị thực hiện tốt việc quản lý phương tiện, còn lại 7 đơn vị chủ yếu là làm dịch vụ hỗ trợ, thực hiện khoán trắng cho chủ xe nên người điều hành, quản lý không nắm bắt được xe của đơn vị còn hoạt động hay không. Cùng với cơ chế quản lý lỏng lẻo, ở một số DN, HTX tuy có người điều hành vận tải nhưng chỉ là để đối phó với cơ quan chức năng, yếu kém về nghiệp vụ, không nắm được các văn bản quy phạm pháp luật quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô. Đơn cử, tháng 7-2015, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra việc quản lý của ông H.V.N., Phó Giám đốc, kiêm Trưởng phòng vận tải Công ty xe khách Buôn Ma Thuột – là người trực tiếp điều hành và quản lý các phương tiện cho thấy, ông N. chưa được tập huấn về nghiệp vụ vận tải, các thao tác về truy cập, trích xuất dữ liệu, thống kê vi phạm từ thiết bị giám sát hành trình ông đều tỏ ra rất lúng túng, không biết xe của đơn vị đang hoạt động trên tuyến nào, chở bao nhiêu khách… Còn với HTX vận tải du lịch Đắk Tour, tuy là đơn vị kinh doanh vận tải, nhưng chỉ làm trung gian cung cấp dịch vụ cho khách hàng có nhu cầu; bộ phận quản lý, điều hành ở đây chỉ có 1 chủ nhiệm và 1 phó chủ nhiệm HTX, không có trụ sở và bộ phận theo dõi các điều kiện an toàn giao thông; kinh doanh vận tải ôtô theo hình thức hợp đồng, nhưng không cung cấp được hợp đồng vận chuyển… Qua các sự việc trên đây có thể thấy, việc chủ DN để nhà xe tự quyết trong các hoạt động là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng lộn xộn trong kinh doanh vận tải, đón, trả khách; vi phạm thường xuyên về tốc độ, điều khiển phương tiện quá số giờ quy định mà không được đơn vị chủ quản nhắc nhở. Thực tế này tồn tại từ lâu ở nhiều đơn vị vận tải, thậm chí có trường hợp khi nhà xe để xảy ra tai nạn, gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ DN, HTX mới biết (!)

Không những hoạt động yếu kém, cơ sở vật chất ở một số DN, HTX vận tải nhếch nhác, tạm bợ, không đủ điều kiện, nhưng vẫn tồn tại trong nhiều năm qua. Đơn cử như HTX vận tải du lịch Đắk Tour được Sở Kế hoạch – Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào năm 2004, địa chỉ tại 160 Phan Bội Châu, phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột, nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra thực tế lại không tồn tại, thay vào đó là một biển hiệu bún cá Nha Trang Bé. Chưa hết, khi Đoàn kiểm tra số 188 của Sở GTVT liên hệ để kiểm tra thì HTX báo địa chỉ chuyển về số 8 Ngô Quyền, nhưng thực chất ở đây cũng không có bảng tên của HTX mà chỉ là bảng hiệu Cửa hàng Thanh Nghĩa. Thêm nữa, HTX đăng ký nơi đỗ xe trên đường Y Moan, với diện tích trên 400 m2, thời hạn thuê đến 30-9-2015, nhưng qua kiểm tra thực tế, diện tích này hiện đã xây dựng nhà ở, không đủ điều kiện để làm nơi đỗ xe theo quy định. Được biết, HTX được Sở GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô vào năm 2013, thời hạn đến tháng 10-2020, được phép kinh doanh các loại hình vận tải khách theo hình thức hợp đồng, với số vốn điều lệ chỉ có 35 triệu đồng và 7 xe khách chạy hợp đồng, nhưng lại thuộc sở hữu của các thành viên HTX.

Tương tự, tại Công ty xe khách Buôn Ma Thuột, mặc dù vốn điều lệ gần 6,8 tỷ đồng, sở hữu trong tay 22 phương tiện, ngoài ra còn có 10 phương tiện của các cá nhân có chức năng cho thuê tài sản, hoạt động trên 10 tuyến liên tỉnh, tuy nhiên, cơ sở vật chất của đơn vị vẫn hết sức khiêm tốn, tạm bợ, đặc biệt là nơi đỗ xe. Mặc dù đã được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 490/QĐ-UB ngày 12-3-1997 và điều chỉnh thời hạn cho thuê đất tại Quyết định số 2448/QĐ-UB ngày 30-7-2003 với diện tích 2.000 m2 tại km4 (Quốc lộ 14), nhưng thực tế, nơi đỗ xe của DN không phù hợp với phương án kinh doanh, không bảo đảm yêu cầu về ATGT, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường. Quan sát cho thấy, nơi đỗ xe xuất hiện nhiều vị trí lồi lõm, bong tróc không đạt chuẩn, khu vực sửa chữa nước bẩn đọng lâu ngày, rác thải không được dọn sạch, xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Thực tế, DN mở xưởng sửa chữa xe nhưng chưa có phương án xử lý chất thải, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng và chữa cháy.

Có thể nói, do không có quy định chi tiết về quy mô đơn vị vận tải bằng ôtô nên DN, HTX vận tải được thành lập tràn lan, manh mún, nhỏ lẻ, điều hành lỏng lẻo, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, ATGT. Cùng với đó, cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải tại địa phương chưa thực hiện việc đánh giá định kỳ việc duy trì hoạt động của các DN theo quy định của Bộ GTVT nên xảy ra tình trạng DN, HTX không bảo đảm điều kiện kinh doanh vẫn tồn tại qua nhiều năm, gây ra tình trạng lộn xộn trong hoạt động vận chuyển khách trên địa bàn tỉnh.