Mặc dù đã có một năm xuất khẩu thành công, nhiều doanh nghiệp trong ngành nông sản, thủy sản hiện đang lâm vào cảnh nợ nần, khó có khả năng tự giải quyết nếu không có sự can thiệp của cơ quan chức năng, chủ nợ. Điều đáng nói là khó khăn của các doanh nghiệp cũng khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh sống dở chết dở.Mặc dù đã có một năm xuất khẩu thành công, nhiều doanh nghiệp trong ngành nông sản, thủy sản hiện đang lâm vào cảnh nợ nần, khó có khả năng tự giải quyết nếu không có sự can thiệp của cơ quan chức năng, chủ nợ. Điều đáng nói là khó khăn của các doanh nghiệp cũng khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh sống dở chết dở.
Một người dân đang phơi cà phê.
Nghịch lý xuất khẩu
Năm 2011, các doanh nghiệp xuất khẩu trên 1,2 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch trên 2,752 tỉ đô la Mỹ, tăng 3,3% về lượng nhưng tăng đến 48% giá so với cùng kỳ năm 2011.
Tương tự là ngành thủy sản với kim ngạch đạt trên 6,1 tỉ đô la Mỹ, tăng đến 21% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại với những con số đáng khích lệ trên, có không ít công ty lớn trong ngành thủy sản và cà phê do không quản lý tốt tình hình tài chính nên quá trình kinh doanh đã phát sinh ra những món nợ lớn khó có khả năng giải quyết trong thời gian ngắn.
Cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong những tuần lễ qua là Công ty thủy sản Bianfishco (Bình An) nợ 10 ngân hàng trong nước, người nuôi cá… với tổng số tiền gần 1.500 tỉ đồng. Nay đến thông tin Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Cà phê Tây Nguyên ( Vinacafe Buôn Ma Thuột) đang nợ các đối tác khoảng 2.000 tì đồng và đứng trước khả năng phải bán tài sản để trả nợ.
Ông Đoàn Triệu Nhạn, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam, cảm nhận được rằng hình như trong ngành cà phê, doanh nghiệp nào xuất khẩu càng nhiều thì nguy cơ vỡ nợ càng lớn. Ông Nhạn cũng không loại trừ khả năng nhiều công ty xuất khẩu cà phê cũng lâm vào cảnh nợ chồng chất, nhưng hiện tại họ chưa tiện công bố thông tin.
Vì sao?
Những rủi ro trong kinh doanh như lãi suất, tỷ giá là các nguyên cùng với cung cách quản lý tài chính lỏng lẻo được xem là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “nợ chồng nợ” của các doanh nghiệp nông sản hiện nay.
Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang, cho rằng mua trả chậm và chiếm dụng vốn đã “ăn vào” cung cách làm ăn của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã nhiều năm trước. Còn những người hoạt động trong ngành thủy sản cho biết vấn đề nợ dây chuyền đã bắt đầu từ năm 2008, thời điểm xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước cũng lao đao vì lạm phát.
Vào thời điểm đó, chính phủ đưa ra chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản mua cá quá lứa, khó tiêu thụ trong dân. Lúc đó, để bán được sản phẩm, nhiều hộ nuôi cá chấp nhận bán nợ và việc mua bán theo kiểu lấy hàng trước, trả tiền sau kéo dài từ đó đến nay.
Ông Đỗ Xuân Mai, chủ cửa hàng thú y thủy sản tại thành phố Long Xuyên, An Giang, như đang ngồi trên lửa vì còn hơn 4 tỉ đồng công nợ chưa thu hồi được, vì con nợ của ông – những hộ nuôi cá, cũng đang khổ sở vì chuyện thu hồi nợ. Ông kể rằng, 10 trong 25 hộ nuôi cá còn nợ tiền của ông đã trốn và ông có thể mất 1,5 tỉ đồng.
“Hầu như người nuôi cá tra, đại lý bán thức ăn thủy sản, thuốc thú y và doanh nghiệp chế biến dù ít hay nhiều điều nợ tiền của nhau”, ông Mai nói.
Đối với trường hợp Vinacafe Buôn Ma Thuột, theo ông Nguyễn Công Hoàng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam, đơn vị có cổ phần trong công ty Vinacafe Buôn Mê Thuột, mặc dù không cho biết chính xác số nợ, nhưng ông cho rằng lỗ lã của những đơn vị hàng đầu như Vinacafe Buôn Mê Thuột chủ yếu do biến động giá kéo dài từ nhiều năm qua.
“Chênh lệch tỷ giá trong quá trình gom hàng, xuất hàng, chi phí tài chính lớn do lãi suất cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ của công ty này”, ông Hoàng nói.
Trăm dâu đổ đầu… nông dân
Theo nhiều hộ nuôi cá tra, nếu như trước đây, doanh nghiệp mua cá cứ sau 30 ngày thì trả tiền, sau đó, là 45 ngày, và nay có khi lên đến 3-4 tháng, có khi lâu hơn vẫn chưa trả tiền.
Ông Hai Thân, một người nuôi cá tra ở Long Xuyên, An Giang cho biết, vừa mới xuất bán 45 công (2,5 héc ta) thu về gần 16 tỉ đồng, thời gian thu tiền là 30 ngày từ khi xuất bán.
Ông Thân cho biết phải vay ngân hàng để mua thức ăn, thuốc thú y, riêng chi phí lãi suất ngân hàng ông phải trả hàng tháng 300 triệu đồng, tương đương 2%/tháng.
Nếu doanh nghiệp chế biến cá tra chiếm dụng vốn càng lâu thì người nuôi cá càng giảm lãi, thậm chí lỗ nếu sau 6 tháng chưa được thanh toán.
Ông Lê Chí Bình nói rằng hiệp hội vẫn thường xuyên cảnh báo các hộ nuôi về những doanh nghiệp có tình hình tài chính không lành mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cá tra liên tục giảm và doanh nghiệp chỉ tập trung bắt cá tự nuôi, người nông dân khó mà có chọn lựa.