Doanh nghiệp nợ chồng chất

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang nợ nần chồng chất nhưng sợ ảnh hưởng đến kinh doanh nên cố gắng che giấu

Chiều 26-3, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến trụ sở Công ty Cổ phần Đầu tư – XNK Cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột). Mặc dù là ngày đầu tuần nhưng trụ sở công ty này khá vắng vẻ, một phụ nữ cho biết tất cả lãnh đạo đều đi vắng, chưa biết khi nào đến công ty nên không thể hẹn trước.

Khó khăn về nguồn vốn

Là một đơn vị được phong danh hiệu Anh hùng Lao động, từng xếp hạng công ty xuất khẩu cà phê nhân đơn lẻ lớn nhất thế giới nhưng Vinacafe Buôn Ma Thuột đang nợ quá hạn khoảng 1.600 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động qua điện thoại, ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc Vinacafe Buôn Ma Thuột, thừa nhận doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh nên việc thu mua cà phê không đạt yêu cầu đề ra. “Nếu bán hết tài sản của công ty thì vẫn có khả năng thanh toán nợ” – ông Tiến nói.

4phu_4ad73

Từng xếp hạng công ty xuất khẩu cà phê nhân đơn lẻ lớn nhất thế giới nhưng

Vinacafe Buôn Ma Thuột đang nợ quá hạn khoảng 1.600 tỉ đồng

Nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết thời gian gần đây, một số cổ đông của Vinacafe Buôn Ma Thuột đã yêu cầu lãnh đạo công ty cung cấp số liệu lỗ – lãi nhưng không được đáp ứng. Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn do lãi suất ngân hàng cao và không cạnh tranh được với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh Đắk Lắk là cà phê, mặc dù được một số sản phẩm khác kéo lại nhưng 3 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt 180 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 22,85% kế hoạch của năm. “Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang nợ nần chồng chất nhưng sợ ảnh hưởng đến kinh doanh nên cố gắng che giấu” – ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết.

Sống dở, chết dở

Cuối năm 2009 đến nay, Đắk Lắk có 43 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vỡ nợ, mất khả năng thanh toán khoảng 300 tỉ đồng và 3.000 tấn cà phê.

Điển hình là Công ty TNHH Thương mại Trúc Tâm (thị xã Buôn Hồ). Chủ công ty này là vợ chồng Đinh Ngọc Trúc – Trương Thị Tâm, đã bỏ trốn đi nước ngoài, mang theo cả trăm tỉ đồng của ngân hàng và nhiều người dân. Công ty Cổ phần Đầu tư – XNK INEXIM cũng bi đát không kém, mang số nợ quá hạn hàng trăm tỉ đồng và đang “sống dở, chết dở”.

Theo ông Nguyễn Xuân Hương, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ea H’leo, trên địa bàn huyện có 10 doanh nghiệp vỡ nợ với số tiền khoảng 100 tỉ đồng, dẫn đến hàng ngàn người dân bỗng dưng mất hết tài sản, nợ nần chồng chất. Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, do hai bên không lập hợp đồng ký gửi hoặc giấy tờ khác quy định trách nhiệm, nghĩa vụ mà chỉ có biên nhận nên việc thu thập chứng cứ chứng minh dấu hiệu lừa đảo của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
“Hoạt động ký gửi tự phát, thiếu sự kiểm soát nên một số doanh nghiệp đã lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp xây dựng quy định cụ thể về hoạt động ký gửi cà phê” – ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết.

Tranh chấp hơn 18.000 tấn cà phê

Bà Võ Thị Kim Ngọc (ngụ TP Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk) đã khởi kiện Vinacafe Buôn Ma Thuột đòi 18.564 tấn cà phê nhân. Bà Ngọc cho rằng toàn bộ lô hàng trên là ký gửi nhưng Vinacafe Buôn Ma Thuột lại khẳng định hai bên đã mua đứt bán đoạn.
Ngày 15-9-2011, TAND TP Buôn Ma Thuột đã xét xử sơ thẩm và tuyên buộc Vinacafe Buôn Ma Thuột trả cho bà Ngọc số cà phê nói trên. Thế nhưng, ngày 22-2-2012, trong phiên xử phúc thẩm, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ về TAND TP Buôn Ma Thuột để xét xử lại.

Nguồn Cao Nguyên