Doanh nghiệp hành xử như… xã hội đen

Được UBND tỉnh Đăk Lăk giao đất nhưng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm không đầu tư sản xuất mà khoán trắng cho người dân, sau đó cưỡng chế thu sản theo kiểu… xã hội đen.

Cướp cà phê giữa ban ngày

Cứ vào mùa thu hoạch cà phê, tình hình an ninh trật tự tại địa bàn xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar lại nóng lên do tranh chấp giữa Xí nghiệp Cà phê thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm với các hộ dân.

293_14_cuop-ca-phe-danh-nguoi

Ngày 29.11, giữa vợ chồng anh chị Hoàng Văn Định – Nguyễn Thị Hạnh (trú tại thôn 1) lại xảy ra xô xát với lực lượng của xí nghiệp. Anh Định bức xúc kể lại: “Khoảng 9 giờ sáng hôm đó, vợ chồng tôi đang hái cà phê trên diện tích 0,25ha nhận khoán với Công ty Buôn Ja Wầm thì ông Hoàng Thái Huyên là Đội trưởng Đội sản xuất C2 đến thu sản.

Vì thời điểm này chưa thuê được nhân công, vợ chồng tôi hái chẳng được bao nhiêu nên xin khất một tuần sau sẽ nộp đủ cho công ty. Ông Huyên bỏ đi một lúc rồi quay lại cùng ông Nguyễn Anh là Giám đốc Xí nghiệp Cà phê, ông Trần Vơn là Phó Giám đốc, ông Thành cán bộ tài vụ. Họ ra lệnh cho một nhóm người xông vào kéo bạt, trút sạch cà phê của gia đình tôi như ăn cướp giữa ban ngày.

Trong lúc giằng co, một số người đã dùng gậy đánh tới tấp vào vợ chồng tôi. Riêng vợ tôi bị đánh vỡ đầu, ngất xỉu, phải đưa đi cấp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh”.

Cũng theo anh Định trình bày thì năm 1997, mẹ vợ anh là bà Vũ Thị Ảm có nhận khoán 0,55ha cà phê với Công ty Buôn Ja Wầm. Sau khi bà Ảm mất, vợ chồng anh xin kế thừa nhận khoán lại 0,25ha. Trên diện tích này, công ty chỉ đầu tư trồng mới và chăm sóc trong 3 năm đầu, còn từ năm 2001 đến nay do gia đình anh tự đầu tư hoàn toàn. Dù rất khó khăn, nhưng hàng năm anh Định đều nộp đủ sản lượng khoán.

Trước đó, trong các ngày 5, 10 và 11.11, Xí nghiệp Cà phê cũng đã đưa lực lượng vào phong tỏa, thu hái toàn bộ 1,2ha cà phê của gia đình anh Phan Đình Nguyên ở thôn 11. Anh Nguyên không nộp sản lượng vì cho rằng diện tích đất này do anh tự khai hoang và trồng cà phê, sau đó bị công ty ép ký hợp đồng nhận khoán.

Anh Nguyên đã khởi kiện đòi quyền sử dụng đất, nhưng tòa án chưa giải quyết vì cho rằng vụ việc chưa được hòa giải ở cơ sở theo Luật Đất đai. “Trong khi chờ giải quyết, từ năm 2008 đến nay tôi vẫn bỏ tiền đầu tư, còn cà phê thì năm nào công ty cũng đến tuốt sạch, coi như tôi làm không công” – anh Nguyên cho biết.

Đừng để doanh nghiệp lộng quyền

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Bá Nam – Phó trưởng Công an xã Ea Kiết cho biết: “Công an viên xác nhận là có xảy ra xô xát tại rẫy cà phê và chị Hạnh phải đi cấp cứu. Khi nào chị Hạnh xuất viện, chúng tôi sẽ mời nhân chứng và các bên đến lấy lời khai để giải quyết theo pháp luật, nếu vượt thẩm quyền thì chuyển công an huyện xử lý”.

Theo ông Nam, việc giao nhận khoán giữa Xí nghiệp Cà phê và người dân thì công an xã không can thiệp, nhưng nếu xảy ra xô xát, ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì phải xử lý nghiêm.

Trong báo cáo gửi cơ quan chức năng, ông Nguyễn Anh – Giám đốc Xí nghiệp Cà phê – cho rằng do anh Định chống đối nên ban thu sản phải thu gom số cà phê mà vợ chồng anh đã hái. Còn việc chị Hạnh bị vỡ đầu, ông Anh nói có lẽ do chị lao vào đánh các đồng chí trong ban thu sản quá mạnh nên bị ngã, va đầu vào vật cản…

Đối với trường hợp anh Nguyên, lãnh đạo xí nghiệp cũng khẳng định: “Ông Nguyên cố tình không giao nộp sản phẩm, xí nghiệp buộc phải tổ chức lực lượng thu hái tại vườn”. Như vậy, Xí nghiệp Cà phê đã thừa nhận có đưa lực lượng đến cưỡng chế thu sản tại vườn cây, dẫn đến xô xát với người dân và việc làm này hoàn toàn trái pháp luật.

Nguồn Báo Dân Việt