Hơn một nửa cà phê trên vùng nguyên liệu do Việt Nam đầu tư đang bị các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trực tiếp thu mua.
Các doanh nghiệp FDI trên các vùng chuyên canh cà phê ở Tây Nguyên đang ngày càng nhiều, chiếm ưu thế trong việc thu mua nguyên liệu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đang lao đao, thậm chí phá sản, đóng cửa nhà xưởng hàng loạt do thiếu nguyên liệu chế biến, xuất khẩu. Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), chỉ sau vài năm xuất hiện, các doanh nghiệp FDI đã chiếm lĩnh 50% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam, tương đương 600.000 tấn mỗi năm.
Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, nhiều doanh nghiệp trồng cà phê (nông trường quốc doanh) đã được Bộ NN&PTNT và các tỉnh Tây Nguyên thành lập, đầu tư vốn xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế.
Nhưng hiện giờ, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chật vật cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài để thu mua cà phê. Dù trực tiếp hay gián tiếp, đây cũng là tổn thất đối với nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Bộ NN&PTNT, nếu chương trình tái canh trên 135.000ha cà phê không đem lại hiệu quả, sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ giảm sút trên 30% trong vài năm tới. Để thực hiện tái canh ước tính cần số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê nước ta sẽ không thể tồn tại, phát triển nếu không có vùng nguyên liệu ổn định, có chất lượng cao. Hiện các doanh nghiệp thành viên thuộc Vicofa đã quyết định thành lập Quỹ Bảo hiểm ngành hàng cà phê, trong đó dự kiến dành tới 50-70% cho chương trình tái canh cà phê. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI vẫn đứng ngoài cuộc, họ chỉ đi thu mua nguyên liệu rồi bán xuất khẩu, không quan tâm đến việc hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài.