Doanh nghiệp cà phê nợ lớn do đầu tư dàn trải

Trao đổi với NTNN chiều 27.3, ông Nguyễn Viết Vinh – Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) thừa nhận việc nhiều doanh nghiệp cà phê do đầu tư dàn trải, không hiệu quả, nên hiện có khoản nợ ngân hàng lớn, doanh số cũng giảm và thậm chí không có nguồn thu.

caphe5-300x225

Trước đó, Vicofa đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo về tình hình khó khăn, vướng mắc trong vụ sản xuất cà phê 2012 để tổng hợp và có đề xuất, kiến nghị tới các cơ quan chức năng, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa báo cáo.
Các khó khăn chủ yếu mà doanh nghiệp đang gặp phải là gì, thưa ông?
– Những khó khăn của các doanh nghiệp cà phê nằm trong khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp khác đang gặp phải là thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, hiện các doanh nghiệp trong nước đang bị các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cạnh tranh, mà các doanh nghiệp FDI lại có nhiều lợi thế về vốn, nên dễ dàng thu mua nguyên liệu hơn.
Trong trường hợp các doanh nghiệp cà phê trong nước có nguy cơ vỡ nợ, phá sản, Vicofa sẽ có kiến nghị gì để “giải cứu” họ tránh tác động dây chuyền đến người dân?
– Nếu các doanh nghiệp cà phê thực sự khó khăn, chắc chắc Vicofa sẽ có những kiến nghị cụ thể lên các cơ quan chức năng như Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước… tạo điều kiện để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả trong niên vụ 2012.
Như vừa qua, sau khi nhận được báo cáo từ một số doanh nghiệp thành viên, Hiệp hội cũng đã có đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với vốn và có ưu đãi về lãi suất, tăng thời gian cho vay từ 3 tháng lên 6 tháng để các doanh nghiệp có điều kiện tích trữ cà phê, góp phần xuất khẩu đạt hiệu quả cao…
Đó là việc làm mang tính thường xuyên vào đầu mỗi niên vụ cà phê mà Vicofa vẫn triển khai. Riêng với các trường hợp doanh nghiệp đang gặp phải tình trạng “hấp hối”, hiện chúng tôi chưa nhận được báo cáo cụ thể nên chưa thể đưa ra những ý kiến gì về trường hợp của các doanh nghiệp này.
Xin cảm ơn ông!

Nguồn Thanh Xuân