Dù chưa được luật pháp cho phép nhưng bằng nhiều hình thức khác nhau, các doanh nghiệp nước ngoài đã mua trên 50% tổng lượng cà phê nguyên liệu trên địa bàn cả nước.
Doanh nghiệp Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ doanh nghiệp nước ngoài
Mới đây UBND tỉnh Đắk Lắk lại đề xuất cho phép một doanh nghiệp nước ngoài “hợp thức hóa” việc trực tiếp mua cà phê từ người dân. Nhiều công ty xuất khẩu cà phê trong nước cho biết với hoàn cảnh vốn thiếu, lãi suất cao… như hiện nay, việc đề xuất trên càng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.
“Mở cửa” cho nước ngoài
Ông Lương Văn Tự, chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao VN (Vicofa), cho biết đến nay 12 nhà kinh doanh cà phê lớn nhất thế giới đều đã có mặt tại VN để mua và xuất khẩu cà phê. Mạng lưới của các công ty này rộng khắp các vùng cà phê trọng điểm cả nước thông qua đại lý hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Nếu như cách đây hai năm tỉ trọng các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 15% thì đến hôm nay đã trên 50%.
Ông Vân Thành Huy, tổng giám đốc Công ty Inexim Đắk Lắk, cho biết các năm trước 20 doanh nghiệp cà phê hàng đầu VN xuất khẩu trên 80% cà phê cả nước nhưng vụ vừa qua chỉ còn trên 60%, và với xu hướng này vụ năm nay còn xuống thấp hơn nữa.
Không đúng luật
Lãnh đạo Vicofa cho rằng nếu chỉ dựa vào việc doanh nghiệp nước ngoài bỏ ra một số tiền nhỏ lấy chứng nhận cà phê sạch để cho họ mua cà phê trực tiếp là sai luật. Là người trực tiếp tham gia đàm phán với các nước trong quá trình VN tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ông Lương Văn Tự cho biết phía VN đã nỗ lực đàm phán để thỏa thuận với các đối tác giữ thị trường nội địa bằng cách không đồng ý cho các doanh nghiệp nước ngoài được mua trực tiếp nhiều loại nông sản VN, trong đó có cà phê.
“Theo cam kết với WTO, cho dù mở cửa thị trường nhưng VN cũng không cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được tham gia trực tiếp việc mua bán cà phê với người dân” – ông Tự khẳng định.
Theo ông Vũ Đức Tiến – giám đốc Công ty xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), lý do mà UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng Công ty Man – Buôn Ma Thuột có chứng nhận cà phê sạch 4C là không thỏa đáng, bởi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay đã có một số doanh nghiệp đang thực hiện quy trình này.
Theo ông Tiến, các doanh nghiệp trong nước sẽ khó cạnh tranh với các công ty xuất nhập khẩu cà phê có vốn đầu tư nước ngoài khi các công ty này được phép tổ chức mạng lưới thu mua trực tiếp cà phê từ nông dân.
Doanh nghiệp cạnh tranh, nông dân được lợi?
Nhiều ý kiến cho rằng việc cho phép công ty cà phê nước ngoài đầu tư và tổ chức mạng lưới thu mua trực tiếp từ nông dân là một việc làm có lợi cho thị trường cà phê.
Ông Lê Văn Phượng, một nông dân trồng cà phê tại Bảo Lâm (Lâm Đồng), cho biết trước đây bán cho các doanh nghiệp cà phê trong nước rất khó vì họ không mua trực tiếp của dân mà thông qua các đại lý. Giá bán cho doanh nghiệp trong nước cũng thấp hơn nhiều so với giá xuất khẩu. Năm rồi có thêm các đại lý của công ty nước ngoài nên bán cà phê dễ dàng hơn nhiều.
Ông Nguyễn Xuân Thái – giám đốc Công ty cà phê Thắng Lợi (Krông Pắk, Đắk Lắk) – cho rằng càng có nhiều doanh nghiệp mua cà phê cho nông dân thì càng tăng tính cạnh tranh trong “cuộc đua” này, nông dân sẽ được hưởng lợi về giá cả.
Tuy nhiên, theo một nhà môi giới cà phê tại TP.HCM, không nên gắn việc giá cà phê tăng mạnh trong vụ vừa qua là kết quả của việc các doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh thu mua. Bản thân trong nước đã có hàng trăm doanh nghiệp cà phê, họ cũng phải cạnh tranh để mua hàng và xuất khẩu chứ không có chuyện cấu kết nhau ép giá người dân. Giá trong nước bám sát giá xuất khẩu trên thị trường thế giới và giá trong nước tăng chủ yếu do giá thế giới tăng mạnh.