Mối quan hệ giữa DN XK gạo và người nông dân trồng lúa vẫn chưa đạt được nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi” và phần thiệt chủ yếu thuộc về người nông dân. Các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần đưa ra chính sách để cân bằng lợi ích giữa hai bên.
Nông dân chịu lỗ
Sự chưa “sòng phẳng” giữa DN XK gạo và người nông dân đã được ông Dương Quốc Xuân – Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ khẳng định tại Diễn đàn nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long – Tiền Giang 2012) rằng: “Thiếu sự gắn kết giữa người nông dân với DN chế biến. Hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa DN với nông dân còn ở mức thấp, đây là nguyên nhân chính dẫn đến giá cả còn bấp bênh”.
Nói về mối quan hệ với DN XK gạo, ông Nguyễn Văn Thịnh (47 tuổi) – nông dân canh tác 2 ha lúa tại xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ cho biết, tuy đã có hợp đồng kí kết tiêu thụ nhưng chỉ một diện tích nhỏ được bao tiêu về giá cả, còn lại phải phụ thuộc vào giá thị trường trong và ngoài nước, điệp khúc “được mùa rớt giá” thường xuyên xảy ra nên sản phẩm làm ra lãi thấp.
“Nhiều DN XK gạo không có kho chứa lớn tạm trữ, chưa chủ động lò sấy lớn, chưa cung cấp đủ lúa giống cho nông dân, sản phẩm làm ra người nông dân phải mất chi phí chuyên chở đến tận kho của DN”, ông Nguyễn Văn Thịnh nói.
Theo TS Bùi Chí Bửu – Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nếu như thu nhập bình quân người dân cả nước (năm 2011) khoảng 1.200 USD/người/năm thì thu nhập bình quân của bà con nông dân chỉ khoảng 700 USD/người/năm. Nhưng với người trồng lúa, đảm bảo cái ăn cho xã hội chỉ có 380 USD/người/năm.
“Báo cáo của Hội lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho thấy, năm 2012 Việt Nam XK 7,7 triệu tấn gạo, tăng 8,29% so với năm ngoái, nhưng giá XK FOB bình quân chỉ đạt 446,86 USD/tấn, giảm 46,85 USD/tấn so với cùng kì. Điều đó có nghĩa là bà con nông dân đã phải gánh vác nhiều hơn, cật lực sản xuất nhiều sản phẩm hơn để XK nhưng nhận lại ít hơn trên chính sản phẩm làm ra”, TS Bùi Chí Bửu nhận định.
Phải có vùng nguyên liệu
Trong các kiến nghị của VFA với Chính phủ và các bộ, ngành trong năm 2013 có đề nghị Bộ NN&PTNN không quy định thương nhân XK gạo phải đầu tư vùng nguyên liệu (cánh đồng mẫu lớn) vì đây mới là mô hình thí điểm, chưa xác định tính khả thi và chưa có tiêu chí rõ ràng, nếu quy định vội vã sẽ gây thêm khó khăn cho DN ảnh hưởng đến XK tiêu thụ lúa gạo, chỉ nên định hướng để các thương nhân phát triển theo năng lực và nhu cầu XK. Ngoài ra, Hiệp hội này cũng đề xuất Chính phủ phê duyệt chủ trương hỗ trợ lãi suất cho DN XK mua tạm trữ trong tháng 1-2013 để bình ổn giá lúa gạo.
Theo các chuyên gia, kiến nghị trên của VFA chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của DN XK gạo mà chưa “sòng phẳng” với người nông dân và Chính phủ cần nhanh chóng điều chỉnh Nghị định 109/2010/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 109) về kinh doanh XK gạo theo hướng quy định nhà XK gạo phải có vùng nguyên liệu ổn định.
Cụ thể, theo TS Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL thì: “Hiện nay, việc bao tiêu sản xuất lúa cho nông dân thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn ở các tỉnh ĐBSCL còn chậm vì qua kiểm tra chúng tôi thấy chỉ có DN thuốc bảo vệ thực vật, phân bón làm thôi, còn DN XK gạo vẫn đứng ngoài cuộc”.
Theo ông Bảnh, trường hợp DN XK gạo cùng thực hiện, với 153 DN XK hiện nay (trong đó có 99 DN được cấp phép XK gạo thời hạn 5 năm theo Nghị định 109), tối thiểu một DN bao tiêu 5.000 ha, thì chỉ riêng các DN XK gạo sẽ bao tiêu được 700.000 – 800.000 ha/vụ. Như vậy, với khoảng 1,5 triệu ha của vụ Đông Xuân và 1,6 triệu ha của vụ Hè Thu, nếu cả bên DN XK gạo, DN thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cùng làm, thì vấn đề tiêu thụ tồn trữ sẽ được giải quyết.
Nhiều nhà chuyên môn cũng cho biết, hiện khả năng tồn trữ lúa gạo ở Việt Nam yếu kém bởi vì áp lực nguồn cung lúa hàng hóa lớn khi vào vụ thu hoạch rộ. Trong khi đó, DN xuất gạo lại không chịu đầu tư kho tồn trữ vì không có vùng nguyên liệu, hầu như chỉ đi thu gom XK khi ký được hợp đồng. Vì vậy việc bổ sung quy định vùng nguyên liệu vào điều kiện để cấp phép cho DN XK gạo theo Nghị định 109 chẳng những giúp họ chủ động được nguồn gạo, nông dân có địa chỉ tiêu thụ lúa mà còn khuyến khích DN đầu tư hệ thống kho chứa nhiều hơn.