Đó là nhận xét của nhiều người dành cho Nghệ nhân Y Hiu Nie Kdam (SN 1955), người dân tộc Ê Đê sống tại buôn Mdúk phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột. Ngay từ 7 tuổi ông đã biết đánh chiêng và giờ đây ông trở thành “người tiếp lửa cho cồng chiêng Tây Nguyên.
Suốt cuộc đời gắn bó với vùng đất Tây Nguyên bao la, hùng vĩ, được đắm mình trong các lễ hội văn hóa truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, lắng nghe âm vang các bài chiêng cổ nên văn hóa truyền thống, nhất là cồng chiêng đã ăn sâu vào tâm khảm của nghệ nhân Y Hiu, ngay từ 7 tuổi ông đã biết đánh chiêng và giờ đây ông trở thành “người tiếp lửa cho cồng chiêng Tây Nguyên”.
Theo lời kể của nghệ nhân Y Hiu, trước đây ở buôn Mdúk có nhiều người biết đánh chiêng lắm, trong buôn lại có nhiều bộ chiêng quý. Mỗi lần buôn làng có lễ mừng trẻ ra đời, lễ đặt tên, lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới… được nghe những nhịp chiêng của các bậc cha, anh bị “nhiễm” nên mãi mê đứng xem. Nghe nhiều nên “mê chiêng”.
“Khi tôi sinh ra đã nghe tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang khắp các buôn làng, núi rừng trong các dịp lễ hội truyền thống. Càng nghe tôi càng yêu quý cồng chiêng, bởi cồng chiêng gắn bó mật thiết với mỗi đời người, mỗi gia đình, dòng họ và lễ nghi cổ truyền của cộng đồng”- Nghệ nhân Y Hiu thổ lộ.
Theo tập tục của buôn là Ê đê, chiêng chỉ được đánh trong những ngày lễ, ngày hội, không được đánh trong nhà, do vậy những lúc chăn trâu, chăn bò ngoài đồng, Y Hiu thường mang theo chiêng để tập đánh, tập nhiều nên biết đánh và thuộc nhiều bài chiêng. Ngay từ nhỏ, Y Hiu đã trở thành đứa trẻ đánh chiêng giỏi nhất buôn Mdúk.
Trước đây, đạo Tin lành xâm nhập vào buôn làng, máy bay Mỹ thả bom (1968) làm cháy rất nhiều bộ chiêng quý. Đặc biệt, thời gian gần đây do môi trường sinh sống đã thay đổi quá nhiều nên một bộ phận lớp trẻ ở các buôn, làng không còn yêu thích cồng chiêng nữa, ngay những trung niên, nhiều người cũng chối bỏ cồng chiêng.
Nhưng đối với Y Hiu lại khác, ông luôn trăn trở câu hỏi làm gì để khôi phục, gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng? Từ chỗ “say tiếng chiêng” nên trong ông luôn có ý nghĩ làm sao “giữ được tiếng chiêng”. Đối với ông, công việc bảo tồn và phát huy văn hóa công chiêng không phải là “cất vào trong kho” mà quan trọng là phải “khơi dậy, đánh thức” nó dậy. Điều này được cụ thể hóa bằng việc truyền dạy cho lớp trẻ trong các buôn, làng biết đánh chiêng.
Ngay từ năm 2002, Y Hiu bắt tay vào thực hiện công việc truyền dạy cách đánh chiêng cho trẻ con trong buôn. Đến nay trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, nghệ nhân đã mở và truyền thụ được 16 lớp đánh chiêng với khoảng 150 em thiếu nhi.
Y Hiu cho biết: “Dạy cho bọn trẻ biết đánh chiêng thành thạo không phải là điều đơn giản, bởi trước hết là phải khơi dậy cho chúng “mê chiêng”, từ “mê chiêng” mới khiến chúng “say chiêng” được…
Lúc đầu, các em tập làm quen với chiêng, chỉ có vài em theo học, nhưng sau đó, cùng với sự say mê, thích thú và sự khích lệ của người già trong buôn, các em thiếu nhi tham gia ngày càng đông…”. “Niềm vui lớn nhất của mình bây giờ là được truyền dạy thật nhiều bọn trẻ các buôn làng đồng bào Ê Đê biết diễn tấu cồng chiêng, để chúng giữ được hồn của tổ tiên ông bà cho mai sau”.
Nghệ nhân Y Hiu là người khởi xướng thành lập đội chiêng và đứng ra truyền dạy cho các em. Việc này ghi nhận những đóng góp của các nghệ nhân trong lĩnh vực giữ gìn, phát huy, truyền dạy Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Tuy nhiên, công lao ấy vẫn còn đứng trước nguy cơ “đổ xuống sông, xuống biển”.
“Điều tôi lo lắng nhất hiện nay là sau khi bế mạc lớp học, bọn “lại trở về con số không”… Bởi cuộc sống bây giờ có nhiều thay đổi lắm, bọn trẻ lại thiếu chiêng để tiếp tục tập luyện, trau dồi, trong khi đó tôi ngày già đi”. Do vậy cần được sự hỗ trợ, quan tâm, động viên của các cấp, các ngành cũng như “cây lúa, cây mạ trên đồng cần được chăm bón”.
Nghệ nhân Y Hiu Nie Kdam là một trong số 12 nghệ nhân của tỉnh Đak Lak được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng Bằng công nhận Nghệ nhân dân gian vào ngày 15/6/2006 vì có nhiều đóng góp to lớn trong việc bảo tồn, phát triển Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.