Diện tích hồ tiêu tăng nhanh và nguy cơ thiếu bền vững

So với các mặt hàng nông sản khác, hồ tiêu đang trở thành một hiện tượng cá biệt khi từ năm 2007 đến nay liên tục tăng giá ở mức cao. Mặc dù là điều đáng mừng nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo khi người dân đổ xô trồng tiêu bất chấp cả những khuyến cáo của nhà quản lý .

Phát triển quá nhanh

Trong những năm gần đây, tiêu hạt là mặt hàng có giá cao, được thị trường trong nước và quốc tế tiêu thụ khá mạnh. Theo đó, hồ tiêu là một trong những cây công nghiệp đang có sức hút ghê gớm đối với nông dân Đắk Lắk nên nhiều hộ đã phá bỏ các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng tiêu. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar cho biết, những năm qua, phát triển hồ tiêu trên địa bàn huyện liên tục tăng về diện tích và số hộ sản xuất, từ năm 2009 mới có khoảng 490 ha, đến năm 2014, tổng diện tích hồ tiêu của huyện đạt 1.820 ha, sản lượng 4.190 tấn, chiếm 16,4% giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Ở Ea Kar, chỗ nào có thể trồng được tiêu người dân đều trồng hết, diện tích tăng đến chóng mặt, theo số liệu chưa đầy đủ của các xã báo lên, trong những tháng đầu năm 2015 đã tăng khoảng trên 100 ha, thậm chí nhiều hộ không có vốn thì chọn giải pháp trồng để bán dây tiêu giống lấy vốn trong những năm đầu, sau khi đủ vốn thì mới đầu tư phát triển vườn tiêu để lấy sản phẩm. Tương tự, tại huyện Krông Búk, trong 5 năm qua, diện tích cà phê và cao su đều giảm; so với năm 2010, cà phê giảm trên 229 ha, cao su giảm hơn 366 ha (do người dân chuyển sang trồng các loại cây khác mà chủ yếu là tiêu), trong khi đó diện tích tiêu tăng trên 315 ha, nâng diện tích hồ tiêu toàn huyện lên 571 ha. Theo Phòng NN-PTNT huyện, những diện tích cà phê già cỗi người dân đều có xu hướng phá bỏ để trồng tiêu, riêng diện tích trồng mới hồ tiêu trong 6 tháng đầu năm 2015 của toàn huyện trên 181 ha. Địa phương cũng đã có những khuyến cáo nhưng bà con vẫn đổ xô trồng do hiệu quả kinh tế của hồ tiêu mang lại quá cao so với các loại cây công nghiệp khác.

images1092491_ti_u33
Nông dân huyện Cư Kuin thu hoạch tiêu.

Theo Sở NN-PTNT, đến năm 2020 theo quy hoạch thì Đắk Lắk sẽ có khoảng 15.000 ha hồ tiêu, sản lượng khoảng 30.000 tấn. Tuy nhiên, mới giữa năm 2015 diện tích tiêu toàn tỉnh đã lên đến hơn 16.000 ha và chưa có dấu hiệu dừng, dự báo hết năm nay sẽ tăng thêm 2.000 ha hoặc có thể nhiều hơn. Thực tế cho thấy, giá tiêu hạt liên tục tăng cao, đời sống người dân được cải thiện đáng kể, ngày càng có nhiều hộ làm giàu từ cây tiêu, song cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, đó là diện tích hồ tiêu phát triển một cách tự phát, không theo quy hoạch, không chú trọng cải tạo đất, xử lý mầm bệnh; một số diện tích trồng trên những vùng đất không phù hợp, không được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng giống tiêu không rõ nguồn gốc… Chính vì vậy, tình hình sâu, bệnh hại trên cây hồ tiêu ngày càng phát triển mạnh, khó kiểm soát; chất lượng tiêu hạt không cao do khâu sơ chế không bảo đảm.

Cần giữ chất lượng để giữ thị trường

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Việt Nam đang là nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu đứng hàng đầu thế giới, hiện hồ tiêu Việt Nam đang có mặt tại 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm thị phần lên tới 58%, đóng vai trò chi phối thị trường và giá cả hồ tiêu trên toàn cầu. Năm 2014, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu đạt 155,120 ngàn tấn, tăng 11,54% so với năm 2013, kim ngạch đạt 1,210 tỷ USD, tăng 34,72% so với 2013. Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đánh giá, từ năm 2007 đến nay, giá hồ tiêu tăng qua từng năm, bình quân tăng từ 10-20%/năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, không có sản phẩm nào kể cả sản phẩm công nghiệp độc quyền mà có tỷ lệ tăng trưởng theo cách như vậy. Nhiều người cho rằng người trồng tiêu đang gặp may mắn nhưng thực tế để hạt tiêu có giá cao trong một thời gian dài như vậy là nhờ sự điều tiết thị trường của người trồng tiêu Việt Nam vì chúng ta đang chiếm thị phần rất lớn trên thị trường thế giới. Vấn đề ở đây là làm sao chúng ta duy trì được điều này khi mà sản xuất đang gặp nhiều bất cập?!

Thực tế đã cho thấy, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hồ tiêu có sự sụt giảm đáng kể về lượng, theo Bộ Công Thương, khối lượng xuất khẩu hồ tiêu 7 tháng đầu năm 2015 đạt 98.000 tấn, với giá trị 920 triệu USD, giảm 20,6% về khối lượng nhưng tăng gần 2% về giá trị. Riêng Đắk Lắk xuất khẩu được 3.286 tấn, giảm 14,34% so với cùng kỳ về số lượng. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hồ tiêu đang gặp thách thức lớn khi châu Âu và nhiều nước bắt đầu thực thi các hàng rào kỹ thuật, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện tại, hồ tiêu xuất khẩu sang châu Âu đã giảm, theo thông tin từ các doanh nghiệp, hồ tiêu xuất khẩu bị trả lại nhiều, chủ yếu là tiêu thô do chất lượng không bảo đảm, đó là trở ngại lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam. Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, hiện tại ở Đắk Lắk không cây nào có thể qua mặt được cây tiêu, giá tiêu tăng quá cao khiến người dân bất chấp những khuyến cáo của nhà quản lý, đua nhau phá bỏ các loại cây trồng khác để trồng tiêu. Điều này khiến tỉnh khó kiểm soát được vấn đề quy hoạch, giống tiêu, hóa chất bảo vệ thực vật… Do vậy, để hồ tiêu phát triển bền vững thì việc đầu tiên cần làm là liên kết sản xuất hồ tiêu sạch, vệ sinh an toàn từ người sản xuất đến chế biến. Chúng ta cần nâng cao chất lượng không chỉ để gia tăng giá trị cho ngành hồ tiêu mà còn để giữ vững thị trường xuất khẩu vốn đang rất có lợi cho hồ tiêu Việt Nam.

Nguồn Baodaklak.vn