Diện tích cây nghệ tăng đột biến: Liệu có bền vững?

Do giá nghệ năm ngoái tăng cao từ 7.000 – 10.000 đồng/kg củ tươi nên năm nay người dân ở các huyện đổ xô trồng cây nghệ với hy vọng sẽ kiếm thêm thu nhập từ loại cây mà trước giờ ít ai để ý này.

Cây nghệ lên ngôi

Từ trước đến nay, ít có hộ dân nào phát triển cây nghệ với diện tích lớn, mà chủ yếu tận dụng những thửa đất nhỏ quanh nhà, trồng để phục vụ cho nhu cầu chế biến thực phẩm là chính. Thế nhưng năm nay, hầu hết địa phương nào cũng thấy người dân trồng nghệ với diện tích lớn, đặc biệt là 2 huyện Krông Pắk và Ea Kar. Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar cho biết, theo kế hoạch vụ hè thu 2017, toàn huyện sẽ trồng 500 ha nghệ, tuy nhiên, đến nay diện tích đã tăng lên 1.356 ha, bằng 271% kế hoạch, trong khi vụ đông xuân 2016-2017 chỉ có 752 ha. Cũng theo Phòng NN-PTNT huyện này, phần lớn các diện tích trồng nghệ đều tự phát, chỉ một số ít là có liên kết với doanh nghiệp (DN), mặc dù ngành nông nghiệp huyện cũng đã đưa ra những khuyến cáo nhưng người dân vẫn tự ý phát triển diện tích. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi cung vượt cầu sẽ dẫn đến rớt giá, không có đầu ra. Hiện Phòng đang tiến hành rà soát, đánh giá tình hình phát triển cây nghệ trên địa bàn huyện để đưa ra giải pháp, kế hoạch phát triển phù hợp trong thời gian tới.

dak-lak-dien-tich-cay-nghe-tang-dot-bien-lieu-co-ben-vung

Vùng trồng nghệ liên kết giữa người dân với Công ty Cổ phần Solavina tại xã Krông Búk (huyện Krông Pắc).

Theo ông Đào Đức Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phú (Ea Kar), trước đây người dân trên địa bàn xã rất ít trồng nghệ, nhưng từ năm 2016 đến nay diện tích nghệ phát triển mạnh. Hiện toàn xã có khoảng 105 ha, năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha, chủ yếu do người dân trồng tự phát và bán cho thương lái, chưa có DN và cơ sở chế biến nào đứng ra liên kết với nông dân. Địa phương cũng đang rất trăn trở để tìm hướng đi cho nông dân, bởi cứ phát triển theo kiểu này thì rủi ro rất cao, sợ lại rơi vào tình trạng dư thừa sản phẩm, không biết bán cho ai. Tương tự, tại huyện Krông Pắc, diện tích nghệ cũng tăng đột biến, theo thống kê 7/16 xã, thị trấn hiện có gần 1.700 ha, tập trung nhiều nhất ở xã Krông Búk (trên 1.235 ha), chủ yếu là người dân trồng tự phát, chỉ có gần 50 ha có liên kết với DN. Hiện Phòng NN-PTNT huyện cũng đang tiến hành rà soát lại diện tích nghệ trên địa bàn toàn huyện để định hướng phát triển cho nông dân.

Để tiềm năng được khai thác bền vững

Tây Nguyên là vùng có thể tận dụng diện tích lớn đất trống, đồi núi trọc để phát triển trồng nghệ thành một trong những cây trồng chủ lực của vùng. Để khai thác tiềm năng này, vừa qua Công ty Cổ phần Solavina đã triển khai dự án đầu tư vùng trồng nghệ; định vị thương hiệu cây nghệ theo tiêu chuẩn GACP – WHO; thành lập trung tâm nghiên cứu, bảo tồn, sản xuất và phát triển giống dược liệu tại Đắk Lắk. Theo ông Hoàng Văn Chưởng, Phó Giám đốc chi nhánh Đắk Lắk, hiện công ty đang xây dựng vùng nguyên liệu trên 200 ha nghệ đỏ tại các huyện Buôn Đôn, Krông Pắc, Ea Kar, M’Đrắk và TP. Buôn Ma Thuột để phục vụ cho hoạt động chiết xuất tinh chất curcumin. Theo đó, các địa phương sẽ xây dựng các tổ hợp tác, phía công ty sẽ đầu tư giống, phân, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm… Ông Nguyễn Quang Tri, tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất nghệ tại xã Krông Búk cho biết, sau khi công ty về làm việc với xã về phát triển cây nghệ đỏ, xã đã triển khai xuống các thôn, buôn để người dân đăng ký tham gia thành lập tổ hợp tác. Đến nay, tổ hợp tác đã có 45 tổ viên, với diện tích gần 27 ha trồng thuần nghệ đỏ (được gần 3 tháng). Theo đánh giá của các tổ viên, do đất tốt nên năng suất cây nghệ ở vùng đất Krông Pắk rất cao, từ 40-50 tấn/ha, có nơi đến 60 tấn/ha. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển cây nghệ trở thành cây dược liệu chủ lực của vùng. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, mối liên kết sản xuất cần được mở rộng về diện tích và bảo đảm hài hòa lợi ích của hai bên.

dak-lak-dien-tich-cay-nghe-tang-dot-bien-lieu-co-ben-vung

Người dân huyện Ea Kar chăm sóc nghệ.

Sở NN-PTNT cho biết, thời gian qua cũng có một số công ty đặt vấn đề với các địa phương về phát triển cây nghệ tại Đắk Lắk, tuy nhiên diện tích liên kết trồng nghệ vẫn chưa nhiều, do đó quy mô diện tích còn manh mún, đầu ra phụ thuộc vào các thương lái nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để có định hướng đúng cho phát triển cây nghệ, các địa phương đang rà soát lại diện tích trồng nghệ trong dân, trên cơ sở đó thành lập các tổ, nhóm sản xuất để xây dựng một vùng nguyên liệu an toàn nhằm tìm kiếm thị trường ổn định, bởi Đắk Lắk đang có lợi thế lớn khi các DN nhập khẩu tinh chất nghệ curcumin đang có xu hướng mua sản phẩm trong nước thay vì nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc như trước đây.