Đến lượt cây cà phê Tây nguyên… nguy hiểm

Tại các tỉnh Tây Nguyên, những năm qua do giá cà phê tăng cao người dân đã ào ào trồng loại cây công nghiệp này bất chấp có phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng hay không…

cf1 (2)

Cà phê bị khô cháy vì thiếu nước vì trồng ngoài quy hoạch

TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: Hiện nay mỗi ha cà phê đầu tư trồng mới đến khi thu hoạch hết khoảng 150 triệu, đây là số vốn đầu tư khá lớn, tuy nhiên nếu so với loại cây công nghiệp khác như tiêu, cao su thì vốn đầu tư vẫn thấp hơn mặt khác cà phê là loại cây dễ trồng, nông dân có kinh nghiệm thâm canh, đầu ra ổn định đặc biệt là trong những năm qua giá cà phê luôn ở mức 40 triệu đồng/tấn. Chính vì lý do này mà thời gian qua người dân Tây Nguyên đã ồ ạt mở rộng diện tích, phát triển không theo quy hoạch khiến cho diện tích cà phê tại Tây Nguyên tăng mạnh, đến nay đã đạt xấp xỉ 500.000ha.

PGĐ Sở NN-PTNT Đăk Lăk Nguyễn Văn Sinh: Tỉnh Đăk Lăk đang chủ trương giảm diện tích cà phê xuống còn 170.000ha vào năm 2015; cà phê phải được phát triển trong vùng sinh thái thích hợp, được đầu tư để vẫn đạt sản lượng từ 400.000 tấn cà phê nhân/năm trở lên. Tỉnh cũng vận động người dân chuyển đổi, thay thế cây trồng khác đối với những khu vực trồng cà phê không đủ nước tưới, có độ dốc trên 15 độ, sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác như ca cao, cao su vì loại cây này không đòi hỏi nhiều nước và độ phì của đất không cao.

Tỉnh Đăk Lăk, địa phương có diện tích cà phê lớn nhất nước, với chủ trương duy trì khoảng 160.000-170.000ha, tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk: Bất chấp những khuyến cáo của ngành chức năng, trong những năm qua diện tích cà phê đã tăng đột biến, không theo quy hoạch, kế hoạch, trồng ồ ạt trên cả những vùng đất không thích hợp, không chủ động được nguồn nước.
Thậm chí, nhiều vùng, người dân chuyển cả đất gò đồi, sỏi đá vào trồng cà phê. Ngay tại huyện MĐ’Rắk, Ea Súp có tầng đất mỏng, đất sỏi đá, đất pha cát không thích hợp với cây cà phê, nhưng người dân vẫn chạy theo phong trào phát triển cây cà phê ồ ạt. Trước đây cây cà phê ở Đăk Lăk chỉ tập trung ở các huyện có đất bazan màu mỡ nhưng nay 100% huyện, thành phố đều có cây cà phê. Nếu như năm 2009, diện tích cà phê của Đăk Lăk là 182.000ha thì đến năm 2010 lên 190.765ha, tăng gần 8.800ha và đến cuối năm 2011, diện tích cà phê của tỉnh tới 195.000ha. Và cứ đà phát triển tịnh tiến như thế thì rất có thể trong năm 2012 này tỉnh Đăk Lăk đạt mốc 200.000ha cà phê.

Cây cà phê phát triển nhanh về diện tích, năng suất, sản lượng đã đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội khu vực Tây Nguyên và người trồng cà phê, đồng thời đưa Việt Nam trở thành nước có sản lượng cà phê xuất khẩu lớn thứ hai thế giới và đứng thứ nhất về xuất khẩu cà phê vối. Tuy nhiên, theo TS Lê Ngọc Báu: Thực tế phát triển cây cà phê ở Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung trong thời gian qua đặt ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững cũng như thu nhập cho người trồng cà phê, do phát triển không kiểm soát được dẫn đến sự suy giảm nguồn nước, gia tăng nạn phá rừng tác động xấu đến môi trường.

cf1 (1)

Mỗi năm có hàng vạn ha ca phê tại Tây Nguyên được trồng mới

Theo ông Nguyễn Văn Sinh: Để cây cà phê có năng suất và chất lượng tốt đòi hỏi phải trồng ở những vùng đất đỏ bazan màu mỡ và đặc biệt loại cây này phải đảm bảo nguồn nước tưới vào mùa khô rất lớn từ 2.000 – 2.500m3 nước mỗi vụ (mỗi năm phải tưới từ 3 – 5 đợt, tuỳ theo mùa mưa đến sớm hay muộn). Trong khi đó hiện nay tại tỉnh Đăk Lăk, diện tích cà phê chủ động được nguồn nước mặt để tưới mới đảm bảo khoảng 40.000ha, chiếm khoảng 23% diện tích cà phê hiện có, toàn bộ diện tích còn lại đều phải dùng nước ngầm để tưới.

Theo thống kê hiện nay vào mùa khô mỗi ngày tỉnh Đăk Lăk khai thác trên 1,5 triệu m3 nước ngầm phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong đó nước được khai thác phục vụ tưới cây cà phê chiếm trên 90%. Chính vì khai thác nguồn nước ngầm quá mức đã làm cho nguồn nước ngầm bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi tụt từ 3 – 5m so với trung bình nhiều năm trước đây.

 

Ông Nguyễn Văn Chinh – Viện trưởng Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch cây cà phê cả nước ổn định đến năm 2020 là 500.000 ha, trong đó có 60.000 ha cà phê chè. Thế nhưng hiện diện tích cà phê của cả nước đã lên tới 540.000 ha, và nguy cơ diện tích còn tăng, đó là điều hết sức nguy hiểm. Riêng Tây Nguyên quy hoạch chỉ cho phép ổn định 460.000 ha cà phê nhưng hiện tại diện tích cà phê của vùng đã là 498.000ha, vượt quy hoạch tới 38.000ha. Đương nhiên diện tích ngoài quy hoạch sẽ không thuận lợi cho cây cà phê từ khí hậu, đất đai, nguồn nước… Một khi thị trường biến động, chắc chắn loại cà phê ngoài quy hoạch phát triển không thuận lợi, phẩm chất kém sẽ bị đào thải đầu tiên.

 

Hậu quả, hầu như năm nào địa phương này cũng có diện tích cà phê bị khô hạn, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Thực tế những năm gần đây mỗi năm Đăk Lăk luôn có hàng ngàn ha cà phê bị chết vì khô hạn, hàng vạn ha cà phê sống lay lắt vì thiếu nước. Trong năm 2011, do hạn hán kéo dài tại tỉnh này diện tích cà phê khô hạn lên đến 10.415ha, những diện tích bị khô hạn chủ yếu nằm ngoài vùng quy hoạch, tầng đất xấu, xa nguồn nước, gây thiệt hại rất lớn.
Cũng do chạy theo phong trào, nhiều hộ ở các tỉnh Tây Nguyên còn sử dụng cả giống cà phê không rõ nguồn gốc, không đạt chuẩn, nhiễm bệnh đưa vào trồng gây dịch bệnh tràn lan. Theo TS Báu, do mua phải giống kém chất lượng, nhiều vùng cà phê Đăk Lăk đã bị nhiễm bệnh chết hàng ngàn ha đó còn chưa kể đến tình trạng những vườn cây cho năng suất thấp nếu phá bỏ sẽ rất tốn kém, lãng phí, để lại thì hiệu quả kinh tế không cao.

Đặc biệt hơn, do trồng cà phê ồ ạt không theo quy hoạch dẫn đến không làm chủ được thị trường mỗi khi tới mùa thu hoạch, làm cho giá cà phê biến động, khi đó sẽ lại chặt bỏ vườn cây để trồng loại cây khác kéo theo những hệ lụy tiếp theo.

Nguồn Baomoi