Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, băng cướp mà Ngô Văn Thuận tham gia từng gây hoang mang cho người dân mỗi khi đi qua đoạn đường Quốc lộ 14 thuộc địa bàn huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.
Đặc biệt, đến khi bị bắt tạm giam, Thuận đã cùng các đối tượng khác đánh cán bộ quản giáo ngất xỉu, rồi vượt ngục. Suốt hơn 19 năm qua, Thuận đã “núp bóng” dưới một vỏ bọc hoàn hảo, thay tên đổi họ, nhưng “tên cáo già” không thể ngờ, bị cảnh sát bắt về quy án.
Ngô Văn Thuận sau khi bị bắt.
Cuộc vượt ngục táo tợn
Theo thông tin PV báo Đời Sống và Pháp luật ghi nhận được, vào năm 1995, Ngô Văn Thuận (SN 1963) cùng đồng bọn chủ yếu có hộ khẩu ở Tây Nguyên, lập thành băng cướp, gặp đâu cướp đó, bất kể vào khoảng thời gian nào trong ngày. Sau này, tuyến đường mà chúng thường hay “hành sự” là Quốc lộ 14. Thời điểm đó, nhóm cướp của Thuận thường dùng đao, kiếm và gậy gỗ để nhảy ra giữa đường chặn đầu xe của các nạn nhân, hòng uy hiếp và cướp tài sản. Nhiều xe khách liên tỉnh khi đi qua đường Quốc lộ 14, thuộc địa bàn huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cũng bị bọn chúng chặn đường, cướp của.
Vì không có súng như một số băng cướp khét tiếng ở khu vực Tây Nguyên thời bấy giờ nên nhóm của Thuận thường chọn những nơi đèo dốc, khi ô tô đến đó phải “bò” số thấp, đi chậm lại, bọn chúng mới nhảy ra cản đường. Những người dân mỗi khi có việc phải đi qua đoạn đường này đều cảm thấy khiếp đảm, nơm nớp lo sợ “cảnh chạm trán” với băng cướp của Thuận. Nếu nạn nhân nào chẳng may rơi vào “vòng vây” của nhóm cướp này thì chỉ còn cách nhanh chóng “lột” hết tài sản và đưa cho chúng, nếu kháng cự sẽ bị “xử không thương tiếc”.
Với quyết tâm triệt phá bằng được băng cướp trên, đến khoảng tháng 5/1995, cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Năng đã bắt được Thuận và đồng bọn. Tuy nhiên, trong thời gian bị bắt giam ở công an huyện, Thuận đã bàn bạc với các đối tượng bị giam cùng phòng, tìm cách vượt ngục. Sau khi tính toán kỹ, các đối tượng chờ lúc cán bộ quản giáo đến vừa mở khóa, chưa kịp kéo cửa ra thì chúng chớp cơ hội đạp tung cánh cửa sắt, đánh gục vị cán bộ này, rồi đập phá nhà giam giữ để bỏ trốn. Bọn chúng hành xử “ngông” cuồng đến mức, lúc đó là giữa ban ngày mà chúng vẫn dám kéo nhau vượt tường nhà giam, bỏ lại phía sau là vị cán bộ quản giáo nằm ngất xỉu ngay trước cửa buồng giam.
Ngay sau đó, cơ quan điều tra đã tiến hành truy bắt gắt gao các đối tượng trốn khỏi nơi giam giữ, trong khi đồng bọn cùng bỏ trốn với Thuận đã lần lượt sa lưới, thì tung tích của Thuận vẫn như “bóng chim tăm cá”.
Lưới trời lồng lộng
Sau rất nhiều nỗ lực nhưng cơ quan công an vẫn chưa bắt được Thuận về quy án, đến tháng 10/1995, Thuận bị Công an tỉnh Đắk Lắk ra lệnh truy nã đặc biệt trên phạm vi toàn quốc.
Được biết, Ngô Văn Thuận (SN 1963), quê ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Từ nhỏ, Thuận đã theo gia đình rời quê hương vào Đắk Lắk làm ăn. Trong khi những người thân tu chí làm ăn thì Thuận lại ham chơi đua đòi, rồi tụ tập với đám bạn xấu lập thành băng cướp. Kể từ khi hắn bỏ trốn khỏi nơi giam giữ, suốt hơn 19 năm qua, các trinh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk vẫn kiên trì thu thập tài liệu, nắm bắt thông tin về tên tội phạm nguy hiểm này. Khi phòng Cảnh sát truy nã tội phạm được thành lập, các anh tiếp tục rà soát, quyết tâm truy bắt bằng được Thuận về quy án.
Theo các trinh sát truy nã Công an tỉnh Đắk Lắk, đầu năm 2014, qua rà soát nắm tình hình, các anh đã có được một số manh mối về đối tượng truy nã đặc biệt Ngô Văn Thuận. Cơ quan công an đã áp dụng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ để truy bắt “tên cáo già” này nhưng hắn rất tinh quái, biết cách che đậy thân phận thật của mình nên mặc dù vất vả đi xác minh nhiều nơi, trinh sát vẫn chưa thể xác định được nơi ở cụ thể của Thuận.
Đại tá Văn Ngọc Thi, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52 Công an tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Để bắt được Thuận, anh em trong đơn vị đã phải lần từng đầu mối, gỡ nút thắt đầu tiên, lật lại hồ sơ từ đầu. Rà soát các mối quan hệ của Thuận. Trước đây, đã từng có thông tin đối tượng Thuận xuất hiện ở nơi này, nơi khác nhưng khi anh em trinh sát tới nơi, xác minh tình hình thì mới biết đối tượng vừa rời khỏi địa phương. Riêng tại tỉnh Đồng Nai, lúc thì có thông tin Thuận xuất hiện ở huyện này, lúc lại có thông tin hắn từng ở huyện khác, chỉ riêng việc lùng sục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã mất rất nhiều thời gian, công sức. Từ các manh mối đó, anh em trinh sát tiếp tục lần theo hành trình chạy trốn của kẻ truy nã“.
Được biết, Thuận có đặc điểm nước da ngăm đen, cao khoảng 1m68, sống mũi lõm. Đặc biệt, hắn có một vết sẹo rất to, dài khoảng 10cm ở bên cổ trái. Hơn nữa, qua nắm bắt tình hình, các trinh sát cũng nhận thấy, Thuận và các anh em của hắn ở Đắk Lắk trông khá giống nhau, nhìn người này có thể nhận ra người khác. Đây là những đặc điểm nhận dạng rất quan trọng mà các trinh sát truy nã bám vào đó để xác định đối tượng Thuận.
Đến ngày 21/8/2014, khi xác định chính xác Thuận đang lẩn trốn ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, PC52 Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với PC52 Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và đồn Biên phòng Phước Hải để truy bắt Thuận. Khi biết Thuận đang ở khu vực chợ cá thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, phụ bán cá cho chủ tàu BV 94717TS thì các trinh sát đã bất ngờ ập đến khống chế, bắt Ngô Văn Thuận phải tra tay vào còng. Lúc này, những người xung quanh đều tỏ ra ngỡ ngàng khi biết thân phận thật của hắn.
Theo lời khai của Thuận, sau khi đánh cán bộ quản giáo ngất xỉu, trốn khỏi nơi giam giữ, đêm hôm đó, Thuận tìm về khu vực xã mình ở, vay mượn tiền của một số người thân quen, chuẩn bị đồ đạc rồi ra Quốc lộ 14, bắt xe khách vào phía Nam bỏ trốn. Khi đến địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Thuận trú lại một thời gian, ở nhờ nhà người quen, rồi lại phiêu dạt đến Đồng Nai và nhiều tỉnh thành khác.
Sau một thời gian nghe ngóng tình hình, thấy tạm ổn, Thuận quay trở lại Bà Rịa – Vũng Tàu, lân la ra làng chài gần biển, xin làm thuê với công việc phụ đánh cá. Để tạo vỏ bọc an toàn cho mình, Thuận tỏ ra hiền lành, chủ bảo sao thì làm vậy, không giao lưu nhiều với những người xung quanh. Tại đây, hắn nói hắn là Ngô Văn Phước, hòng qua mặt cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, do thời gian lênh đênh trên biển nhiều hơn thời gian hắn ở trên bờ, cứ nay đây mai đó nên hắn cũng chẳng đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương. Lâu ngày, dân chài lưới quen gọi hắn là Phước, chứ không ai biết về cái tên Thuận và chân tướng thật của một tên cướp nguy hiểm ẩn trong đó.
“Biệt tài” che giấu thân phận
Đến năm 2011, Thuận gặp và yêu một cô gái cũng là dân làng chài ven TP. Vũng Tàu, rồi cưới nhau, sinh con. Sau đó, vợ con Thuận về quê ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sinh sống, còn Thuận vẫn tiếp tục công việc chài lưới. Cứ như vậy, Thuận làm thuê cho hết chủ tàu cá này đến chủ khác, mục đích của hắn là để những ông chủ này không có nhiều thời gian hiểu biết về hắn, không thể nắm được lai lịch của con người “bí ẩn” này. Với đặc thù công việc hầu như chủ yếu lênh đênh trên biển, khoảng 1-2 tháng Thuận mới trở vào đất liền một lần nhưng cũng chỉ ở lại đó 2-3 ngày rồi lại ra khơi nên suốt gần 20 năm qua, tung tích của hắn gần như “biến mất”. Ngay cả vợ con Thuận cũng không hề biết, trước đây hắn đã từng là một tên cướp ngông cuồng đến như vậy.