Nhắc đến vùng đất Tây Nguyên người ta nghĩ ngay đến những thôn làng xanh mướt Cà Phê, Hồ Tiêu và vườn cây ăn trái, cuộc sống của đồng bào nơi đây đang hàng ngày được cải thiện… Nhưng đâu đó trên vùng đất này vẫn còn tồn tại những hủ tục đau lòng.
Đắng lòng những cái chết
Kông Chro là một huyện phía Đông của tỉnh Gia Lai, một vùng đất còn đẫy rẫy những khó khăn. Về đây chúng tôi đã được nghe những câu chuyện mà người dân và cán bộ kể lại ,thấy vô cùng xót xa. Đây là những hủ tục còn tồn tại trong vùng đồng bào dân tộc Bana ở vùng sâu .Đó là hủ tục vợ chết hoặc chồng chết, người còn lại cũng lên rẫy tự tử , để lại những đứa con thơ không nơi nương tựa.
Chúng tôi đến làng Nghe Lớn, thị trấn Kong Chro, cách trung tâm huyện Kong Chro tỉnh Gia Lai chưa đầy 3 km, nơi còn tồn tại những hủ tục đau xót này. Căn nhà sàn của gia đình anh Đinh Văn A Vót và chị Đinh Thị Gắp, được dựng lên từ mười mấy năm, nay đã tuềnh toàng và rách nát tứ tung .
Anh Vót kể “ Nhà mình có 4 anh chị em, tất cả đều đã xây dựng gia đình và nghèo khó như nhau. Chị và em gái mình lấy chồng cùng làng và về nhà chồng ở. Bố mẹ mình đều đã mất. Đây là căn nhà bố mẹ mình để lại cho cả hai anh em mình. Đất đai tuy rộng, nhưng không có tiền để dựng một căn nhà riêng nên cả gia đình mình và anh trai cùng ở và sinh hoạt trong ngôi nhà này.
Bữa ăn mỗi nhà một bếp, ngủ mỗi nhà một bên, không có bất cứ thứ gì che chắn. Vậy nhưng mình vẫn đẻ được hai đứa, một trai, một gái còn anh trai, chị dâu mình thì đẻ được ba đứa gồm Đinh Văn Suêch sinh năm 2003, Đinh Văn Soăn sinh năm 2005 và Đinh Văn Rap sinh tháng 6/2010.
Vì cuộc sống còn quá khó khăn nên sau khi sinh đứa con thứ ba được gần một tháng, chị Tơnh đi làm rẫy và bị ốm. Không quá một ngày sau, chị đã vĩnh viễn ra đi . Vợ chết, dân làng vẫn thấy anh Đinh Văn Vong lo toan cho đám tang của vợ.
Nhưng hôm sau, chuẩn bị đến giờ đưa tang cho chị Tơnh mọi người không thấy anh đâu cả, dân làng đi tìm anh Vong về, họ càng bàng hoàng hơn khi thấy anh Vong đã thắt cổ tự tử tại khu rẫy của gia đình cách chỗ ở của vợ chồng anh chưa đầy 1 km. Cái chết của họ đã để lại ba đứa con thơ, đứa nhỏ nhất mới sinh chưa đầy một tháng tuổi, đứa lớn nhất mới học lớp 2.
Các cụ cao niên trong làng nói, việc này như một việc đã được báo trước vì trước đây đã có nhiều trường hợp như thế này rồi, rồi các cụ đều thở dài. Không cha, không mẹ, cả Suêch, Soăn và Ráp được chú và cô ( người Ba Nah gọi vợ của chú là cô) nuôi nấng tại gia đình, mặc dù cô chú cũng thiếu thốn từng bữa ăn. Mất cả cha lẫn mẹ, Cô chú thì nghèo, nên anh em Suêch và Soăn phải nghỉ học để phụ giúp công việc hàng ngày.
Cuộc sống tiếp tục với nhọc nhằn
Chúng tôi đang nói chuyện thì chị Đinh Thị Gắp đi cúng con ma trở về trên lưng địu đứa trẻ chưa đầy một năm. Tôi hỏi con chị được mấy tháng tuổi rồi? Chị Gắp cho biết: “Trên lưng mình là cháu Ráp, con của anh chị mình, còn đứa trẻ được 14 tháng ở nhà chơi với Soăn là con mình”.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Kong Chro đỡ lời: “Theo phong tục của người Ba Nah nơi đây, khi không may người thân của họ qua đời để lại con nhỏ thì những người còn sống thương cháu hơn cả con đẻ của mình. Họ coi đây là trách nhiệm hết sức lớn lao để nuôi dạy chúng thành người có ích”.
Bà Loan cho biết thêm: “ Khi vợ chồng nhà anh chị Tơnh- Vong qua đời, bản thân tôi đã đến nhận những đữa trẻ là con và xin về nuôi nhưng cả anh Vót và chị Gắp đều lắc đầu nói “ Cháu của mình thì mình nuôi”. Không chỉ có gia đình tôi đến xin, mà nhiều người khác cũng đến xin nhưng họ nhất định không cho. Người đồng bào ở đây có tính tự trọng rất cao. Dù nghèo khó đến mấy nhưng họ không đem người thân của mình cho người ngoài nuôi đâu”.
Tôi quay sang hỏi chị Gắp: Cuộc sống của anh chị gặp khó khăn nhiều không? Chị Gắp cho biết: “Mình thì nghèo lắm, nhưng con mình, cháu mình mình phải nuôi chứ, sao cho người ngoài được. Hàng ngày chồng mình lên rẫy rồi về thả lưới ở sông Ba để bắt con cá, được con nào mang về cho các con, các cháu ăn.
Nhưng bây giờ sông Ba cạn và ô nhiễm quá nên cũng chẳng có con gì sống nổi. Trong bữa cơm của mình thì chủ yếu là cà đắng và những ngọn rau được nhặt từ vạt rừng chứ tiền đâu mà mua thức ăn. Các cháu cũng biết mình nghèo nên chẳng đòi hỏi gì hết”.
Chiều đã đổ bóng xuống ngang cây sào, em Đinh Văn Suêch cũng vừa đi chăn 3 con bò trên rẫy trở về. Thấy có khách lạ, Suêch bẽn lẽn buộc bò vào gốc điều rồi bước vào trong nhà dùng một đoạn thừng cói nhóm bếp đun nước. Tôi bước tới và hỏi: Cháu có muốn được đi học cùng bạn bè không? Suêch bảo “Cháu rất nhớ trường và muốn được đi học”. Lại hỏi: Đi học để làm gì? “ Để cháu biết chữ sau này đỡ khổ”. Vừa nói, nước mắt của Suêch rơm rớm chảy quanh khóe mắt. Ngọn lửa bập bùng soi rõ những giọt nước mắt long lanh ….
Chặng đường con dài vì hủ tục
“Không chỉ có anh Vong ở trên thị trấn, mà năm 2007 ở xã mình có ông Đinh Nhai, Bí thư Đảng ủy xã không may bị bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Khi người ốm chưa chết thì vợ ông Nhai đã dùng dây thừng buộc bò thắt cổ tự tử. Vợ chết chưa được mười ngày thì ông chồng cũng qua đời và để lại để lại 5 đứa con thơ cho anh trai và chị dâu gánh vác. Ngoài ra hai năm qua ở xã An Trung còn có 4 vụ tự tử khác để lại 11 đứa trẻ bơ vơ không nơi nương tựa. Đây là một sự mất mát qúa lớn không chỉ đối với các cháu nhỏ, mà cả với gia đình và xã hội ”.
Thượng tá Lê Xuân Tuyến, Phó trưởng Công an huyện Kông Chro chia sẻ. Ông Tuyến còn cho biết thêm: Tháng nào Công an huyện cùng phối hợp với các hội, đoàn thể và chính quyền các xã xuống từng thôn làng để vận động tuyên truyền bà con, nhằm ngăn chặn nạn tự tử. Tuy nhiên do nhận thức của người dân địa phương còn nhiều hạn chế, nên việc tuyên truyền gặp hết sức khó khăn.
Bên cạnh đó, đây là một vấn đề xã hội nên chúng tôi không thể kiểm soát được. Điển hình nhất là ngày 7/1 vừa qua, tại thôn 13 xã An Trung, cũng đã xảy ra một vụ tự tử hết sức đau lòng. Do mâu thuẫn gia đình, người chồng dùng dao chém vợ, ngay sau đó vì sợ dân làng phạt vạ đòi chia tài sản cho gia đình vợ, và sợ bị pháp luật trừng trị nên người chồng đã ra sau vườn uống thuốc diệt cỏ tự tử…
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Kông Chro thì bình quân hàng năm trên địa bàn huyện có hàng chục vụ vợ hoặc chồng chết thì người còn lại đã tự kết liễu đời mình bằng một sợi dây định mệnh hoặc bằng thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột…. Và họ đã để lại những đứa con thơ cho người thân phải nuôi nấng. “Đây là huyện có tỷ lệ vụ tự tử cao nhất trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Chính quyền địa phương nắm rất rõ điều này, nên hàng tháng, hàng quý chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan ban ngành tổ chức các đợt sinh hoạt văn hóa tại cộng đồng để tuyên truyền nhằm ngăn chặn nạn tự tử này, nhưng chưa được. Bởi khi phát hiện thì họ đã chết rồi. Hiện tại huyện Kông Chro có hơn 20 cháu mất cả bố lẫn mẹ do hủ tục lạc hậu này. Tất cả các trường hợp này đều rất khó khăn, họ rất cần sự chung tay giúp sức của cộng đồng để có thể vươn lên trong cuộc sống”. Ông Phan Văn Trung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kông Chro chia sẻ.
Không chỉ ở huyện Kông Chro, mà từ đầu năm 2012 đến nay ở huyện Krông Pa đã có tới 35 vụ tự tử chỉ vì bất mãn gia đình hoặc là tự ái vì lời trêu chọc của bạn bè hoặc là tin vào những lời bói toán đầy ma mị.