Dân trồng mía ôm nợ vì công ty thu mua ở Đắk Lắk hứa lèo

Mặc dù đã có ký kết đảm bảo đầu ra với Công ty CP Mía đường Đắk Lắk nhưng đến thời kỳ thu hoạch công ty vẫn ì ạch không thu mua khiến nhiều người lâm vào cảnh nợ nần.

Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn huyện Ea Súp (Đắk Lắk) phản ảnh việc nhà máy thu mua mía đường hứa lèo vì không thu mía theo hợp đồng khiến người trồng mía lâm vào cảnh nợ nần.

Nhiều người dân xã Cư M’lan, huyện Ea Súp khốn khổ vì mía vẫn không được thu mua.

Chia sẻ về câu chuyện trên, anh Đoàn Văn Sơn (trú thôn 4, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) cho biết, gia đình anh trồng 9 ha mía và được Công ty CP Mía đường Đắk Lắk ký kết sẽ thu mua mía của gia đình trong thời điểm thu hoạch (tháng 11/2017 – tháng 5/2018).

“Sau khi ký cam kết, gia đình tôi đã đốn chặt bán cho công ty để thực hiện đúng hợp đồng nhưng công ty chỉ thu 5 ha, còn lại 4 ha giờ không biết bán cho ai? Hiện giờ, số mía còn lại bị chặt nằm phơi ngoài đồng hao hụt dần khiến chúng tôi chẳng biết xoay sở thế nào?”, anh Sơn bức xúc nói.

Cũng như anh Sơn, ông Nguyễn Minh Điệp (trú thôn 3, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) cho biết, gia đình ông ký hợp đồng với Công ty CP Mía đường Đắk Lắk nhưng giờ mía vẫn chưa được thu mua theo đúng hợp đồng.

“Tôi trồng 5 ha mía, đầu vụ, công ty CP này có hỗ trợ và người dân phải bỏ thêm tiền đầu tư để trồng mía nhưng đến thời điểm thu hoạch việc thu mua chậm trễ khiến gia đình tôi thiệt hại cả trăm triệu đồng”, ông Điệp cho hay.

Ông Điệp nói thêm, người dân khu vực đổ xô trồng mía theo hợp đồng ký kết với công ty giờ như ngồi đống lửa. Thời điểm thu hoạch, người dân chỉ mong muốn hợp đồng ký kết thu mua của công ty phải đúng hẹn, vì số tiền đầu tư trồng mía người dân đầu tư phải đi vay mượn đã đến thời điểm trả nợ.

Chia sẻ sự việc này, ông Nguyễn Bảo Lộc – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Đắk Lắk cho rằng, thời tiết cuối tháng 5 xấu nên gây ảnh hưởng đến công tác thu hoạch mía.

“Nông dân thiếu lao động để làm, không đúng tiến độ thu hoạch và ảnh hưởng của thời tiết. Do đó, việc thu mua mía có phần chậm trễ nhưng công ty vẫn chủ động thuê các máy bốc mía từ nơi khác về giải quyết được một phần việc.

Thời điểm thu mua gặp phải mưa khiến đường giao thông hư hỏng, ruộng mía lầy lội nên còn khoảng 180 ha mía chưa được thu hoạch. Nếu thu hoạch phải chuyển mía lên đường, chi phí tăng cao nhưng không đáp ứng đủ lượng mía chạy máy nên công ty quyết định tạm dừng thu mua đến tháng 11″, ông Lộc nói.

Người dân chặt mía bỏ thành đống nhiều ngày ngoài đồng vẫn chưa bán được.

Theo ông Lộc, công ty mía đường đang lên kế hoạch hỗ trợ số tiền khoảng 7 tỉ đồng để giảm bớt thiệt hại cho người dân. Theo kế hoạch này, công ty sẽ hỗ trợ khoảng 6 triệu đồng/ha do chậm thu hoạch. Riêng những diện tích đã chặt hạ trên đồng ruộng, công ty hỗ trợ 400.000 đồng/tấn.

Ông Đàm Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Cư M’lan cho biết, xã hiện có 550 ha mía đều được ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ với Công ty CP Mía đường Đắk Lắk. Tính đến tháng 7 này, công ty mía đường đã thu mua khoảng 469 ha, còn lại 81 ha chưa được thu hoạch dù đã quá hạn hợp đồng.

“Trước đó xã đã tổ chức gặp gỡ giữa người dân và đại diện công ty mía đường để tìm lời giải cho gần 81 ha mía đang bị chết héo. Mặc dù phía công ty đã đề xuất khoản tiền hỗ trợ nhưng người dân vẫn chưa đồng ý vì cho rằng quá thấp. UBND xã Cư M’lan cũng đã nhận được đơn phản ánh của người dân về việc Công ty CP Mía đường Đắk Lắk vi phạm hợp đồng đã ký kết khi không thu mua mía nguyên liệu, đẩy người trồng vào hoàn cảnh khó khăn nên kiến nghị UBND huyện tìm hướng tháo gỡ”, ông Hà Nói.